Hà Nội nâng cao giá trị sản phẩm OCOP làng nghề Đồng Tháp có thêm 35 sản phẩm OCOP 4 sao Ninh Thuận có 42 sản phẩm OCOP 4 sao và 225 sản phẩm OCOP 3 sao |
Hoa mắt trước ma trận sản phẩm
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến tháng 9/2024, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 7.846 chủ thể, trong đó, chỉ tính riêng vùng Đồng bằng sông Hồng đã có hơn 4.300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ về trải nghiệm mua quà biếu dịp Tết Nguyên đán trên các sàn thương mại điện tử: “Dạo một vòng tìm kiếm, tôi thực sự bị choáng ngợp bởi số lượng sản phẩm trà OCOP. Từ trà Trâu Cổ, trà chùm ngây đến trà Tân Cương... nhưng không biết nên chọn loại nào vì chúng nhìn chung khá giống nhau.”
Thoạt nhìn, khách hàng có thể nghĩ rằng sự đa dạng này là ưu điểm, nhưng trên thực tế, nhiều người rơi vào tình trạng bối rối vì không nhận ra điểm khác biệt giữa các sản phẩm. “Nhiều sản phẩm để chọn, nhưng tôi không biết đâu là sản phẩm chất lượng thật sự để tin tưởng mua hàng” chị Nhung nói thêm.
Các sản phẩm OCOP đáng lẽ nên là những “đại sứ” truyền tải câu chuyện vùng miền, giờ đây, dấu ấn thương hiệu lại trở nên rất nhạt nhòa. Chính sự phát triển ồ ạt, một màu đã khiến cho sản phẩm OCOP mất đi sự đặc trưng vốn có.
Đứng dưới góc độ doanh nghiệp, một số chuyên gia trong lĩnh vực thương mại nhận định rằng sản phẩm OCOP vốn là đặc thù riêng của từng địa phương, nhưng khi đã phát triển đến con số hơn 14.000 sản phẩm, tình trạng trùng lặp trở nên phổ biến. Khi tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, dễ dàng nhận thấy nhiều sản phẩm có sự tương đồng rõ rệt.
Việc phát triển các sản phẩm OCOP cần phải tránh trùng lặp (Ảnh: Hoài Thanh) |
Khó khăn trong việc định vị thương hiệu
Ông Lê Quang Hông, đại diện gian hàng OCOP Lào Cai tại phiên chợ Royal City chia sẻ về những khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường: “Một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi là làm sao để khách hàng nhớ đến sản phẩm từ Lào Cai thay vì nhầm lẫn với sản phẩm ở các địa phương khác. Ví dụ, thịt trâu gác bếp là một món đặc sản nổi tiếng của vùng Tây Bắc, nhưng khi khách hàng đi qua gian hàng, họ thường hỏi: ‘Đây có phải thịt trâu Mộc Châu không?’ hoặc ‘Thịt trâu này có gì khác so với thịt trâu Điện Biên?’ Điều này cho thấy sự trùng lặp trong nhận diện thương hiệu sản phẩm.”
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Hải Yến, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Chế biến thực phẩm Sạch Từ Tâm, với hơn 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao, chia sẻ về những thách thức trong việc định vị thương hiệu giữa "rừng" sản phẩm trùng lặp hiện nay: “Bản chất chuỗi thực phẩm sạch Từ Tâm đang sản xuất những sản phẩm truyền thống đã tồn tại trên thị trường hàng trăm năm. Rất nhiều làng nghề khác cũng có các sản phẩm này. Vì vậy, làm thế nào để định vị được sự khác biệt, tạo ra dấu ấn riêng cho thương hiệu là một bài toán không hề dễ dàng.” bà Yến chia sẻ.
Nghệ nhân Đinh Thị Hải Yến chia sẻ về hành trình định vị thương hiệu của mình (Ảnh: Hoài Thanh) |
Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đã mở ra hướng đi mới, hiệu quả hơn trong sản xuất và kinh doanh so với các sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, chương trình OCOP vẫn đang phải “gánh” trên vai nhiều sứ mệnh quan trọng. Việc tìm ra sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền, sau đó xây dựng thành thương hiệu quốc gia là một vấn đề nan giải, đặc biệt với các sản phẩm nông nghiệp.
Đơn cử, trong nhóm chè – một đặc sản nổi tiếng, chỉ riêng ở tỉnh Phú Thọ đã có chè búp tím Thanh Ba của xã Vân Lĩnh, chè xanh Kim Tuyên của xã Tất Thắng, chè xanh Hoài Trung của xã Chí Tiên,... Hay cùng là bưởi da xanh thì bưởi da xanh Tuyên Quang hay bưởi da xanh Bến Tre sẽ là đại diện cho thương hiệu OCOP? Việc hai địa phương cùng có sản phẩm OCOP giống nhau dễ dẫn đến sự trùng lặp, gây khó khăn trong xây dựng thương hiệu độc đáo và nhận diện rõ ràng.
Dẫu còn nhiều thách thức, OCOP vẫn là một chương trình mang tính chiến lược, giúp phát huy tiềm năng của mỗi địa phương, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Việc loại bỏ sự trùng lặp, tập trung vào xây dựng thương hiệu riêng cho từng sản phẩm không chỉ giúp OCOP khẳng định vị thế trong nước mà còn vươn xa trên thị trường quốc tế.