![]() |
Phát triển du lịch xanh là con đường tất yếu của du lịch Việt Nam. |
Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch cũng buộc phải chuyển mình mạnh mẽ. Chuyển đổi xanh trong du lịch không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu chúng ta muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và có tương lai.
Phát biểu tại cuộc Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ngay từ năm 2018 – 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã vận động các doanh nghiệp du lịch chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Hiệp hội đã tập trung xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh (VITA GREEN), với mục tiêu tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, có thể áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch hội viên trên cả nước.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, chỉ khi có Bộ tiêu chí cụ thể, các điểm đến và doanh nghiệp mới có thể từng bước tự đánh giá, cải tiến và nâng cao năng lực thực hành xanh một cách có hệ thống và bền vững. Và diễn đàn "Phát triển điểm đến xanh- Nâng tầm du lịch Việt" là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm lan tỏa nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hành động thực tế trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch Việt Nam. "Đã đến lúc các đối tác trong ngành Du lịch cần hợp tác với nhau để tích cực tham gia vào chương trình phát triển các điểm đến xanh của du lịch Việt Nam, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan" Ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đồng thời đưa ra 5 yếu tố để khởi động các hoạt động chuyển đổi xanh, cụ thể: Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách về chuyển đổi xanh trong du lịch; Phát triển các sản điểm đến xanh trên cơ sở Bộ tiêu chí du lịch xanh của Hiệp hội; Xúc tiến, quảng bá xanh; Đào tạo xanh và ứng dụng công nghệ xanh, chuyển đổi số.
Tham gia diễn đàn, ông Patrick Haverman - Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam thực sự là một động lực kinh tế mạnh mẽ, đón hơn 17,5 triệu lượt khách quốc tế - tăng gần 40% - cùng với 110 triệu lượt khách nội địa, tạo ra doanh thu ấn tượng 840 nghìn tỷ đồng. Sự năng động này cho thấy tiềm năng to lớn của ngành và UNDP Việt Nam tin tưởng rằng du lịch đóng vai trò là một động lực mạnh mẽ, thúc đẩy đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng cho rằng, con đường nâng tầm du lịch Việt Nam thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là một khát vọng mà còn là một đòi hỏi tất yếu và một cơ hội chiến lược. Hiện tại, dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch tại Việt Nam" đang được UNDP phối hợp triển khai và tài trợ thông qua các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Dự án đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy cho các doanh nghiệp du lịch hướng tới một tương lai không rác thải nhựa.
"Tầm nhìn của chúng tôi về các điểm đến xanh không chỉ giới hạn ở các nỗ lực bảo tồn của cộng động tại các khu vực biển và khu bảo tồn. Chúng tôi cũng nhận thấy vai trò quan trọng của giao thông xanh. Việc khuyến khích du khách ưu tiên các lựa chọn di chuyển thân thiện với môi trường không chỉ làm sâu sắc trải nghiệm của họ mà còn trực tiếp góp phần vào bầu không khí trong lành hơn và hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đầy tham vọng của Việt Nam.
Dự án thí điểm tại tỉnh Phú Yên và TP. Huế, với việc ra mắt gần đây các trạm “Check-in và chia sẻ Giao thông xanh” ở Tuy Hòa và Hòn Yến, là một bước đi cụ thể, hiện thực hóa định hướng này. Thông qua việc thúc đẩy mô hình chia sẻ giao thông xanh và nâng cao nhận thức trong cộng đồng địa phương, chúng tôi đang từng bước kiến tạo nền tảng cho một hệ sinh thái du lịch xanh thực sự bền vững" - Ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Hành trình lâu dài, cần đồng lòng và kiên trì
![]() |
Du khách trải nghiệm du lịch xanh tại Ninh Bình. |
GS.TS Nguyễn Văn Đính bày tỏ quan điểm, để giảm phát thải carbon đòi hỏi ngành du lịch nên sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (xe điện, xe đạp, giao thông công cộng). Khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày. Hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng. Tiết kiệm nước, điện và áp dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú. Bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên để chuyển đổi xanh trong du lịch đòi hỏi phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, trong đó hỗ trợ các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân địa phương uu tiên các sản phẩm, thực phẩm hữu cơ và hàng thủ công địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch theo hướng giáo dục du khách về du lịch bền vững. Khuyến khích khách du lịch tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên.
Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí khẳng định, không thể nói xanh khi chưa giảm thiểu được rác thải nhựa, giảm thiểu rác thải nhựa phải là yêu cầu tiên quyết để Du lịch Việt Nam chuyển đổi xanh. Chính vì thế, buộc phải giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo, phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường...Trong đó, phải làm được 4 vấn đề cốt lõi là: Quy hoạch xanh; Quản lý điểm đến hiệu quả; Du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; Du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Còn theo ông Phùng Quang Thắng - Phó chủ tịch thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam, hiện đã có một số doanh nghiệp đã triển khai hoạt động du lịch bền vững, hầu như đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Tràng An – Ninh Bình; KDL sinh thái Thung Nham – Ninh Bình; Mũi Né Bay Resort – Bình Thuận; Furama Resort – Đà Nẵng, H’Mong Village Resort – Hà Giang....
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp triển khai sẽ gặp một số khó khăn như: Thiếu nhân sự chuyên môn và kinh phí đầu tư ban đầu, không dễ thay đổi thói quen vận hành cũ vì thế, để triển khai được cần sự đồng hành từ lãnh đạo đến nhân viên cộng đồng và du khách bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.
Theo ông Phạm Hà – Chủ tịch CEO LuxGroup, làm du lịch bền vững là con đường khó nhưng là tất yếu bắt buộc phải đi. Con đường khó ở đây là bài toán kinh tế, đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường… đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài, hay nhận thức chưa đồng đều trong chuỗi cung ứng và thị trường.
Tiếp đến là sản phẩm du lịch xanh khó cạnh tranh bởi giá thành cao khiến sản phẩm du lịch bền vững khó tiếp cận thị trường đại chúng, đòi hỏi chiến lược định vị giá trị và truyền thông rõ ràng, cuối cùng là thiếu chính sách đồng bộ. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xanh chưa được hưởng ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm hay tiếp cận thị trường – nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể khiến nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc chuyển đổi sang du lịch xanh.
“Cách đây 20 năm, chúng tôi đã lựa chọn một con đường khó: làm du lịch sang trọng và bền vững, đặt văn hóa làm đầu vào cho sự phát triển kinh tế du lịch, lấy con người và di sản làm trung tâm. Từ thực tế, tôi cho rằng cần có 3 yếu tố quan trọng, đó là tư duy chiến lược từ lãnh đạo – đặt bền vững là yếu tố cốt lõi trung tâm; thiết lập chuỗi cung ứng đồng hành du lịch xanh – chọn lọc và đồng hành cùng đối tác, nhà cung cấp có chung cam kết mục tiêu và hành động bền vững; diáo dục thị trường – nâng cao nhận thức của khách hàng, đối tác, nhà cung ứng, cộng đồng và nhân sự nội bộ về lợi ích lâu dài của du lịch có trách nhiệm”, ông Phạm Hà nói.