Du lịch nông nghiệp, du lịch trang trại hay du lịch xanh là hình thức "xuất khẩu" hàng hóa nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả và tiếp cận tận gốc xuất xứ sản phẩm. Đây còn được hiểu là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các vùng đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở hoặc tham quan có mục đích, nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương tại từng gia đình nông hộ hoặc các trang trại.
Du lịch nông nghiệp góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê nông nghiệp truyền thống và các sản vật có nguồn gốc thiên nhiên. Về giá trị kinh tế, các mô hình du lịch nông nghiệp chẳng những thu lợi từ hoạt động du lịch mà còn tham gia vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm hữu cơ có nguồn gốc thiên nhiên, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hạn chế tình trạng người nông dân mất tư liệu sản xuất do quá trình đô thị hóa; bảo vệ môi trường, tìm kiếm đầu ra ổn định và có giá trị cao cho các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm nông nghiệp đặc hữu.
Du lịch sông nước miệt vườn tại Đồng Tháp
Mới đây, UBND huyện Tháp Mười đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm khoa học “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp – sản phẩm sen tỉnh Đồng Tháp”.
Theo đó, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh đã phân tích về nâng cấp chuỗi giá trị từ sen gắn với du lịch. Cụ thể, chuỗi giá trị ngành hàng sen của Đồng Tháp nói chung và Tháp Mười nói riêng mặc dù đã có liên kết nhưng chỉ liên kết một cách cơ học, chưa liên kết theo hướng hữu cơ - tức là chưa có sự chia sẻ về giá trị, lợi ích trong chuỗi ngành hàng. Chính vì vậy, để khai thác và phát triển du lịch liên kết chặt chẽ với những giá trị từ sen tương xứng với tiềm năng và tránh được các xung đột giữa cơ quan quản lý, các đơn vị lữ hành và cộng đồng địa phương cần có những biện pháp nhằm dung hòa mối quan hệ lợi ích giữa các nhóm đối tượng sau: cộng đồng địa phương, các đơn vị kinh doanh lữ hành, các nhà sản xuất và chế biến thành phẩm từ sen và các cấp quản lý.
Tiến sĩ Phương Lan cho rằng, địa phương cần có những chính sách phát triển hợp lý để từ đó có sự hỗ trợ, ươm mầm đối với những cá nhân, doanh nghiệp tâm huyết với sen. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm một cách bài bản để người dân, du khách biết và muốn đến với Tháp Mười cũng như Đồng Tháp.
Các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp khác cũng đề xuất thêm một số ý kiến cho việc phát triển chuỗi ngành hàng sen của huyện Tháp Mười như: Huyện nên nghiên cứu xây dựng không gian văn hóa về sen; cửa hàng OCOP bao gồm sen và các sản phẩm khác để làm điểm thu hút du khách khi đến với Tháp Mười. Đặc biệt, tỉnh, huyện cần có chính sách cho người dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng sen kết hợp phát triển du lịch trong vòng 3 đến 5 năm để khuyến khích người dân chuyển đổi, nâng cao giá trị từ sen...
Linh Anh