Loại quả quanh năm giá rẻ như cho, ở chợ Tết giá cao chót vót Nhu cầu mua sắm Tết, giá gạo, giá xăng dầu kéo CPI tháng 2 tăng 3,98% Thị trường Tết bắt đầu sôi động |
Những mặt hàng nào đang được người dân chọn mua sắm nhiều nhất? Ảnh znews |
Quầy thực phẩm, bánh kẹo đắt hàng
Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí mua sắm của người dân Thủ đô đang trở nên sôi động, đặc biệt tại các kênh siêu thị. Các đại siêu thị quy mô như GO!, Aeon Mall, WinMart hay Mega Market liên tục đón lượng lớn người dân đổ về mua sắm, khiến nhiều khu vực quầy kệ trở nên nhộn nhịp từ sáng đến tối.
Tại thời điểm 19-22h tối ngày 22/1 (tức 23 tháng Chạp Âm lịch), không khó để bắt gặp cảnh dòng người tấp nập chen nhau tại các quầy thực phẩm, bánh kẹo, đồ trang trí Tết. Tại Aeon Mall Hà Đông, khách hàng xếp hàng dài trước các quầy để chờ thanh toán và đóng hàng vào thùng.
Tại siêu thị GO! Thăng Long, không khí cũng không kém phần nhộn nhịp. Khu vực bánh kẹo nhân viên luôn phải hoạt động hết công suất để bổ sung hàng. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị GO! Thăng Long, chia sẻ 2 tuần gần đây, lượng mua sắm tăng mạnh so với ngày lường. Lượng khách đến siêu thị cũng tăng 30% so với ngày thường và tăng hơn 10% so với cùng thời điểm Tết năm ngoái.
Quầy rượu bia cũng được nhiều khách hàng quan tâm và "săn đón". Đại diện GO! Thăng Long nhận định năm nay doanh số rượu có nồng độ cồn cao giảm đáng kể, nhưng doanh thu từ nước giải khát và bia vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực.
Chị Nguyễn Quyên (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: “Năm nay ăn Tết đơn giản, tôi chỉ mua một số bánh mứt gia đình thích và mua thêm một vài túi bánh kẹo có sẵn tại siêu thị để làm quà Tết cho hai bên nội ngoại và bạn bè chứ không mua quá nhiều, tích trữ”, chị Quyên nói.
Cùng chung không khí sắm Tết ở Hà Nội, sức mua tại các siêu thị TPHCM đã bắt đầu tăng mạnh những ngày gần đây.
Theo Báo Tuổi Trẻ, thời điểm trưa ngày 22/1, siêu thị Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM) khá nhộn nhịp bởi lượng khách sắm Tết đông hơn các ngày trước đó.
Trong đó khu vực bánh kẹo, trái cây, thực phẩm khô... thường xuyên thu hút nhiều người mua sắm hơn. Thi thoảng nhân viên siêu thị lại "châm" thêm hàng khi lượng hàng trên quầy kệ vơi dần, không có tình trạng "cháy" hàng.
Sau khi chất đầy xe đẩy với chủ yếu hàng bánh kẹo và thực phẩm tươi sống tại siêu thị Emart, bà Nguyễn Thị Bảo (quận Gò Vấp) cho biết hơn 10 loại bánh kẹo bà mua đều được giảm giá từ 10 - 30%, trong đó hộp bánh cao tiền nhất là của thương hiệu trong nước với giá khoảng 180.000 đồng, còn lại phổ biến 60.000 - 120.000 đồng/sản phẩm.
Trong khi đó, tại quầy bánh kẹo của nhiều siêu thị như Co.opmart, MM Mega Market..., nhiều sản phẩm bánh kẹo và mứt Tết được đổ ra trong các sọt lớn thu hút nhiều khách mua. Ngoài bán theo ký, nhiều sản phẩm để chi tiết giá với phổ biến từ 10.000 - 30.000 đồng/100g. Theo siêu thị, cách thức bán này giúp khách dễ lựa chọn, dễ mua theo lượng tùy thích, ít nhiều đều được nên rất tiện.
Do được giảm giá từ 30 - 50%, xuống còn 70.000 - 90.000 đồng/450 - 500g, giò và chả của nhiều thương hiệu như C.P, Cầu Tre, LC Foods... đang được khách mua khá nhiều.
Quyết định mua đến 4kg giò chả các loại tại siêu thị Lotte Mart Gò Vấp, bà Hồ Bích Hằng (quận Bình Thạnh) cho biết chưa lúc nào thấy giá mặt hàng này lại tốt như lúc này nên gia đình quyết định mua nhiều chút.
"Giò chả dễ ăn, hạn sử dụng dài nên Tết ăn không hết thì qua Tết ăn cũng được. Giờ mua thêm bánh kẹo, các loại hạt, mứt... là tạm đủ cho mùa Tết rồi. Mai mốt cần gì thì mua thêm, giờ siêu thị, chợ cũng mở cửa thường xuyên nên tiện lợi", bà Hằng tính toán.
Đại diện GO! BigC cho biết sức mua nhìn chung đã tăng khoảng 30 - 40% so với ngày thường và kỳ vọng những ngày cao điểm sức mua có thể tăng gấp 200 - 300%, đặc biệt là nhóm sản phẩm đang được quan tâm nhiều nhất như các loại hạt, bánh kẹo, trái cây, bia và nước giải khát.
Siêu thị mở cửa xuyên Tết
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con, năm nay, một số hệ thống siêu thị cũng mở cửa xuyên Tết. |
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con, năm nay, một số hệ thống siêu thị cũng mở cửa xuyên Tết. Hệ thống siêu thị Go!, Big C (thuộc Central Retail) cho biết, chỉ nghỉ duy nhất mùng 1 âm lịch. Cụ thể, từ ngày 17-27/1 (tức 28 tháng Chạp) giờ mở cửa kéo dài từ 7h - 23h. Ngày 29 Tết (tức ngày 28/1) hệ thống bán lẻ này mở cửa từ 7h - 14h. Đến ngày mùng 2 Tết, hệ thống siêu thị này mở cửa hoạt động bình thường từ 8h - 22h.
Hệ thống siêu thị WinMart, WinMart+, Win sẽ mở cửa đến 12h trưa 29 Tết (tức ngày 28/1), sau đó sẽ mở cửa trở lại vào mùng 4 Tết (tức ngày 1/2).
Hệ thống siêu thị AEON cũng đưa ra thông báo hoạt động tất cả các ngày trong dịp nghỉ tết Nguyên đán 2025. Riêng ngày 29 Tết (tức ngày 28/1), siêu thị sẽ đóng cửa sớm hơn vào lúc 20h và trong mùng 1 Tết sẽ mở cửa lúc 11h (tức ngày 29/1).
Không chỉ hệ thống Aeon, các siêu thị Aeon MaxValu tại khu vực phía Bắc cũng mở cửa xuyên Tết. Từ 25 - 27/1, siêu thị hoạt động từ 6 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Ngày 28/1 (29 Tết), mở cửa từ 6 giờ sáng đến 20:00. Ngày mùng 1 Tết, siêu thị phục vụ khách hàng từ 12 giờ trưa đến 20 giờ và từ mùng 2 Tết, hoạt động trở lại bình thường.
Hệ thống Saigon Co.op, bao gồm Co.opmart và Co.opXtra, cũng kéo dài thời gian phục vụ từ đầu tháng 1/2025, mở cửa sớm hơn 1 giờ và hoạt động đến 23 giờ đêm. Các hệ thống này chỉ nghỉ mùng 1 Tết và khai trương trở lại ngay vào mùng 2. Đây là một phần trong chiến lược đảm bảo cung ứng hàng hóa xuyên suốt mùa Tết, giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.
Trong ngày 29 Tết (ngày 28/1), hệ thống siêu thị BRGMart sẽ phục vụ từ 8h - 18h và mở cửa trở lại từ ngày mùng 3 Tết từ 8h - 22h.
Còn hệ thống Haprofood mở cửa từ 6h - 18h ngày 29 tháng Chạp và mở cửa trở lại từ 8h - 22h ngày mùng 3 Tết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 15.1.2025 về việc thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Quý I năm 2025.
Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn.
Chủ động triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu tiêu dùng, từ đó xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phù hợp.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện kế hoạch, phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết và các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đề xuất các chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tăng cường khả năng cung ứng, dự trữ hàng hóa.