Cây mộc hương có mấy loại và đặc điểm như thế nào?
Cây mộc hương vừa là loại cây phong thủy vừa là vị thuốc quý |
Cây mộc hương thuộc họ cúc. Loại cây này có nhiều ở một số quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Hiện nay, có 3 loại mộc hương phổ biến, bao gồm:
Vân Mộc Hương hay Quảng Mộc Hương: Loại cây này sống lâu năm, mọc thẳng và không phân cành, vỏ cây có màu nâu nhạt. Lá có răng cưa. Hoa mọc thành cụm, có màu lam tím và cây thường ra hoa từ tháng 7 đến tháng 9. Quả hơi dẹt, cong và có màu nâu hoặc đốm tím. Mùa quả mộc hương là từ tháng 8 đến tháng 10. Rễ của cây to, mập, đường kính có thể lên tới 5cm và có mùi thơm hắc.
Thổ Mộc Hương: Là loại cây lâu năm. Lá mọc so le và càng ở gần gốc thì lá cây càng to. Mép lá có hình răng cưa nhưng không đều. Hoa có màu vàng.
Xuyên Mộc Hương hay còn có một tên gọi khác nữa là thiết bản mộc hương: Một số đặc điểm của loại mộc hương này là mép lá chia thùy, mặt trên có lông thưa và phần mặt dưới có lông nhung trắng. Quả dẹt.
Trong Đông y, rễ của loại cây này được sử dụng như một vị thuốc. Thời gian thu hoạch rễ cây để làm thuốc là vào mùa đông. Rễ cây được đào lên, rửa sạch đất, cắt bỏ phần rễ tơ. Sau đó, rễ được cắt thành từng khúc ngắn, phơi khô và bỏ vỏ ngoài. Lưu ý không nên phơi quá lâu để tránh làm mấy mùi thơm. Sau khi phơi xong, cần bảo quản ở những nơi thoáng mát, khô ráo.
Cây mộc hương có những tác dụng gì đối với sức khỏe
Rễ mộc hương là bộ phận được thu hái và sử dụng làm dược liệu |
Không chỉ mang lại hương thơm hay thanh lọc không khí, mộc hương còn có nhiều công dụng sức khỏe mà nhiều người chưa biết đến. Nếu sử dụng đúng cách, mộc hương có thể mang đến những lợi ích sức khỏe như sau:
Có tác dụng chống viêm, giảm đau
Một số hoạt chất trong rễ cây mộc hương có tác dụng giảm sưng, giảm đau hiệu quả và có thể cải thiện triệu chứng của bệnh viêm khớp hiệu quả. Ngoài ra, rễ cây mộc hương cũng có thể kết hợp với nhiều loại thuốc khác giúp chị em giảm đau bụng trong kỳ kinh nguyệt.
Rất tốt cho hệ tiêu hóa: Tinh dầu được chiết xuất từ cây mộc hương mang đến nhiều lợi ích cho hoạt động của hệ tiêu hóa, chẳng hạn như làm sạch đường tiêu hóa, kích thích quá trình tiêu hóa thức ăn.
Bên cạnh đó, trong dịch chiết của mộc hương còn có chứa costunolide- hoạt chất này có tác dụng chống loét rất hiệu quả. Do đó, mộc hương chính là bài thuốc quý đối với những người bị viêm dạ dày mạn tính.
Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Những hợp chất trong cây mộc hương giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, từ đó giúp cơ thể có thể loại bỏ virus, vi khuẩn hay một số tác nhân gây nhiễm trùng khác một cách dễ dàng hơn. Đây là yếu tố rất hữu ích đối với các bệnh nhân mắc các bệnh lý mạn tính hoặc có sức đề kháng kém, suy giảm miễn dịch.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Những hoạt chất từ cây mộc hương có thể giúp cải thiện lưu lượng máu, giúp ổn định nhịp tim.
Rất tốt cho hoạt động của gan
Hoạt chất helenin trong cây mộc hương có tác dụng rất hiệu quả trong việc kích thích dịch mật và cải thiện tình trạng vàng da, sung huyết gan.
Cây mộc hương và những bài thuốc điều trị bệnh
Theo Đông y, cây mộc hương có tính ấm, có vị cay, nóng và rất tốt cho sức khỏe.
Chữa bệnh lỵ mạn tính: Bài thuốc này là sự kết hợp giữa mộc hương và hoàng liên. Dùng 2 loại dược liệu này tán bột và làm viên. Sử dụng 2 đến 3 lần/ngày.
Điều trị tiêu chảy ở trẻ: Cần chuẩn bị một số nguyên liệu như sau 12g mộc hương, 12g mạch nha, 12g hoàng liên, 12g bạch truật, 12g chỉ thực, 12g thần khúc, 12g trần bì, 12g sơn tra, 8g sa nhân, 12g la bặc tử, 8g liên kiều. Dùng tất cả nguyên liệu này để tán thành bột viên. Ngày uống từ 4 đến 8 viên.
Điều trị viêm loét dạ dày - tá tràng: Sử dụng các loại dược liệu như mộc hương(6g), bạch thược (12g), đương quy (12g), kỷ tử (12g), phục linh (12g), đại táo (12g), táo nhân(8g), a giao (8g), trần bì (6g), ngũ vị tử (6g) và 2g gừng. Bỏ những nguyên liệu này vào ấm và sắc lên uống mỗi ngày 1 thang.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên uống 5 đến 10 thang thuốc. Không nên bỏ giữa chừng và cũng không nên lạm dụng để tránh gây ra những hậu quả sức khỏe không đáng có.
Cây mộc hương hỗ trợ điều trị viêm dạ dày mạn tính |
Một số lưu ý khi sử dụng các bài thuốc từ cây mộc hương
Để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khi áp dụng các bài thuốc từ cây mộc hương, bạn cần lưu ý những điều sau:
Tránh lạm dụng: Dùng mộc hương quá nhiều và lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến thận vì nó có chứa axit aristolochic. Thậm chí lạm dụng những bài thuốc từ cây mộc hương có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Các trường hợp cần tránh dùng cây mộc hương là phụ nữ đang cho con bú, người mắc bệnh thận, bệnh tim, người mắc bệnh cao huyết áp.
Nếu cơ thể đang khỏe mạnh thì không nên dùng cây mộc hương dài ngày.
Cây mộc hương là một loại dược liệu quý nhưng không nên lạm dụng, cần sử dụng liều lượng thích hợp với thể trạng của từng bệnh nhân. Sử dụng sai cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Những thông tin về các bài thuốc từ cây mộc hương kể trên chỉ mang tính tham khảo. Trước khi sử dụng, bạn nên nhờ đến sự tư vấn của các chuyên gia để tránh những rủi ro không đáng có.