Nhịn ăn gián đoạn là gì?
Nhịn ăn gián đoạn (intermittent fasting) là một kiểu ăn kiêng có chu kỳ giữa thời gian ăn và ngừng ăn. Cụ thể, với phương pháp này, bạn sẽ chỉ được ăn trong một khoảng thời gian nhất định và phải nhịn ăn hoặc chỉ uống những đồ uống không calo trong toàn bộ thời gian còn lại.
Phương pháp này không yêu cầu cụ thể loại thực phẩm bạn phải ăn hay quy định lượng calo bạn được nạp vào cơ thể mỗi ngày. Điều duy nhất bạn cần lưu ý đó là thời gian ăn uống, chính vì vậy, đây có thể được coi như là “một thời gian biểu ăn uống” hơn là một chế độ ăn kiêng.
Cơ chế hoạt động của phương pháp nhịn ăn gián đoạn
Trong quá trình trao đổi chất, cơ thể làm việc tích cực để chuyển hóa lượng thực phẩm thành nguồn năng lượng cung cấp cho các hoạt động. Khi nguồn năng lượng này không được sử dụng hết, ở trạng thái dư thừa, năng lượng sẽ được lưu trữ trong các tế bào mỡ dưới dạng chất béo. Giữa các bữa ăn, cơ thể sử dụng một số chất béo dự trữ để làm năng lượng.
Phương pháp nhịn ăn gián đoạn dựa trên cơ chế trên để thúc đẩy cơ thể phân hủy nhiều chất béo dự trữ hơn để tạo ra năng lượng, từ đó giảm bớt lượng mỡ dư thừa trong cơ thể và đồng thời tạo cho cơ thể một khoảng thời gian để tiêu thụ hết thức ăn trước khi nạp thêm một lượng mới vào bữa ăn kế tiếp.
Những lợi ích mà nhịn ăn gián đoạn mang lại
Một số nghiên cứu cho thấy nhịn ăn gián đoạn ngoài giúp giảm cân thì còn có thể cải thiện trí nhớ, sức khỏe tim mạch và hoạt động của não bộ. Ngoài ra, nhịn ăn gián đoạn còn có thể hỗ trợ điều trị ung thư.
Nhịn ăn gián đoạn cũng giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, làm giảm phản ứng viêm; làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ cho người áp dụng.
Các hình thức nhịn ăn gián đoạn
Một số hình thức nhịn ăn gián đoạn phổ biến:
Nhịn ăn gián đoạn 16/8
Phương pháp này còn được gọi là Leangains. Với hình thức nhịn ăn này, bạn sẽ chỉ được ăn trong 8 tiếng và nhịn ăn trong 16 tiếng còn lại. Chẳng hạn như bạn có thể ăn từ 11g đến 19g hoặc ăn từ 7g đến 15g hàng ngày. Thời gian ăn này có thể được quyết định tùy theo sở thích, hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi người.
Phương pháp Ăn – dừng – ăn
Đây là phương pháp nhịn ăn trong 24 tiếng liên tục và thực hiện 1-2 lần mỗi tuần. Phương pháp này sẽ khá khó để thực hiện vào thời gian đầu vì bạn phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian dài khiến cơ thể chưa thể thích nghi kịp thời. Tuy nhiên, nếu bạn chưa thể nhịn luôn 24 tiếng thì bạn có thể nhịn từ 14-16 tiếng rồi tăng dần lên.
Nhịn ăn cách ngày
Trong phương pháp nhịn ăn cách ngày (alternate day fasting), cứ sau một ngày được ăn bình thường lại đến một ngày nhịn ăn hoàn toàn. Phương pháp này có thể được thực hiện theo các cách khác nhau. Một trong số đó là cho phép nạp vào khoảng 500 calo trong những ngày nhịn ăn.
Những lưu ý khi thực hiện nhịn ăn gián đoạn
- Trong khoảng thời gian nhịn ăn, bạn chỉ nên uống những đồ uống không calo như nước hoặc cà phê để đảm bảo tính hiệu quả của phương pháp.
- Cố định thời gian nhịn ăn để cơ thể có thể thích nghi với chế độ ăn, tránh gây rối loạn tiêu hóa
- Nên bắt đầu bằng những khoảng thời gian nhịn ăn ngắn từ 12-16 tiếng để cơ thể thích nghi dần trước khi thực hiện những hình thức nhịn ăn khắc nghiệt hơn.
- Khi mới bắt đầu nhịn ăn sẽ xảy ra tình trạng bị đói. Điều này có thể dẫn đến tình trạng ăn vô độ vào bữa ăn tiếp theo và làm phản tác dụng. Vì vậy, để hạn chế tình trạng này xảy ra, bạn nên kiểm soát lượng thức ăn được nạp vào và có kế hoạch trước cho các bữa ăn của mình.