Triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc cúm A Cúm A bùng phát, thuốc Tamiflu "khan hàng" gây nên tình trạng loạn giá Bệnh cúm ảnh hưởng tới mẹ bầu và thai nhi như thế nào? |
Trẻ bị biến chứng nặng, phải thở máy do cúm A
![]() |
Bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ. |
Bệnh nhi là cháu Đ.B.A (7 tháng tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ), được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ từ cơ sở y tế tuyến dưới với chẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, cúm A dương tính. Theo thông tin từ gia đình, trước đó trẻ được điều trị tại nhà 4 ngày với các triệu chứng như sốt cao, ho khò khè, xuất tiết nhiều đờm dãi.
Sau khi tình trạng không thuyên giảm, đồng thời xuất hiện thêm triệu chứng khó thở nên được gia đình đưa tới khám tại Trung tâm Y tế huyện. Tại đây, trẻ được hỗ trợ thở máy áp lực dương liên tục (CPAP) nhưng không đỡ, tình trạng khó thở tăng lên nên được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.
Tại bệnh viện, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), viêm phổi nặng trên bệnh nhân cúm A. Bệnh nhi ngay lập tức được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và được thở máy theo chiến lược thông khí bảo vệ phổi kết hợp các biện pháp hỗ trợ như thông khí nằm sấp; chống viêm; giãn cơ.
Bác sĩ Nguyễn Võ Lộc, Phó trưởng khoa phụ trách khoa Hồi sức tích cực – chống độc (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) cho biết, các biện pháp thông khí hỗ trợ trong điều trị ARDS với mục đích tránh căng giãn phế nang quá mức và tránh xẹp phổi. Đặc biệt thông khí nằm sấp là một phương pháp mới, chưa được áp dụng rộng rãi đối với các trường hợp ARDS nặng ở trẻ em.
Ưu điểm của phương pháp này là giúp cải thiện trao đổi khí, huy động các phế nang bị xẹp vùng lưng, cải thiện dẫn lưu tư thế, đồng thời giúp tái phân bố tưới máu, hạn chế các vùng phổi bị phù nề. Với phác đồ điều trị tích cực, kết hợp điều trị kháng sinh và vật lý trị liệu hô hấp, tình trạng suy hô hấp của trẻ được cải thiện rõ rệt. Sau 18 ngày điều trị, sức khoẻ trẻ ổn định và được cho xuất viện.
Theo bác sĩ Lộc, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) là một trong những biến chứng nặng của cúm A, tính chất diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao lên tới 40-70%. Đây là hội chứng bệnh lý tổn thương cấp tính các phế nang mao mạch phổi, đặc trưng bởi tình trạng suy hô hấp diễn biến nhanh. Trong nhiều trường hợp, ARDS làm cho lượng oxy trong máu sụt giảm nghiêm trọng, gây suy đa cơ quan dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Mới đây, phòng khám Đa khoa Medlatec số 02 đã cấp cứu cho bệnh nhi N.T.L (6 tuổi, ở Hà Nội) bị co giật vì sốt cao do mắc cúm A. ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Medlatec số 02 cho biết, trước khi đến phòng khám, bé L. có biểu hiện sốt cao kéo dài 24 giờ, sau đó đột ngột co giật, mất ý thức, tím môi, tím tay chân. Gia đình lập tức đưa trẻ đi cấp cứu.
Qua thăm khám phát hiện, trẻ sốt cao 40 độ, co giật khi sốt cao, tím môi, tím tay chân, mất ý thức khoảng 1 phút, đã được xử lý bằng cắt co giật và hạ sốt đường tĩnh mạch. Kết quả cận lâm sàng cho thấy trẻ bị viêm phế quản phổi do cúm A. Dựa trên kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ kết luận bệnh nhi mắc viêm phế quản phổi do cúm A biến chứng sốt cao co giật.
Khuyến cáo từ chuyên gia
![]() |
Sốt cao co giật có thể là một biến chứng nguy hiểm của cúm A. |
ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa MEDLATEC số 02 cảnh cáo, sốt cao co giật có thể là một biến chứng nguy hiểm của cúm A, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Nếu không được xử lý kịp thời, cơn co giật có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
Khi trẻ co giật kéo dài, não bộ có thể bị thiếu oxy, làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và thần kinh. Ngoài ra, trong lúc co giật, trẻ có thể bị sặc đờm dãi, sữa hoặc thức ăn nếu không được đặt nằm đúng tư thế, gây tắc đường thở. Một số trường hợp co giật đi kèm với khó thở, tím tái, có thể tiến triển thành suy hô hấp nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để tránh bị co giật khi sốt cha mẹ cần lưu ý những điều sau: Khi trẻ bị cúm A, sốt cao là triệu chứng phổ biến. Cha mẹ nên đo nhiệt độ 1 giờ/lần. Nếu sốt trên 38.5°C, cần hạ sốt bằng paracetamol theo đúng liều lượng. Kết hợp lau mát bằng khăn ấm ở vùng trán, cổ, nách, bẹn để hỗ trợ hạ nhiệt.
Cho trẻ uống nhiều nước, sữa, nước oresol hoặc nước trái cây để tránh mất nước. Đảm bảo chế độ ăn dễ tiêu hóa, đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch. Tránh tiếp xúc với người khác để hạn chế lây lan virus. Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể. Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên dự phòng thuốc chống co giật ở những trẻ có tiền sử sốt cao co giật. Trong trường hợp trẻ bị co giật do sốt cao, cha mẹ cần bình tĩnh và thực hiện theo các bước sau: Đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên để tránh sặc. Nới lỏng quần áo, không ghì chặt cơ thể trẻ.
Nhiều người lo sợ trẻ cắn lưỡi nên thường đưa 1 vật gì đó vào miệng trẻ, nhưng thực tế khi co giật, trẻ nghiến răng khiến lưỡi thụt vào trong và không thể bị cắn trúng. Việc đưa vật vào miệng trẻ có thể gây tổn thương răng, niêm mạc miệng hoặc làm tắc đường thở.
Ghi nhận thời gian và đặc điểm cơn co giật (thời gian bắt đầu, thời gian kéo dài, dạng co giật toàn thân hay khu trú) để cung cấp thông tin cho bác sĩ. Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu cơn co giật kéo dài trên 5 phút. Trẻ không tỉnh lại sau co giật. Xuất hiện tím tái, khó thở.
Thời gian gần đây, theo ghi nhận tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, số lượng trẻ nhập viện do cúm A có xu hướng tăng lên, trong đó có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng rất nặng, biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, phù não, tổn thương gan nặng,… Vì vậy bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc cúm, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần chú ý giữ ấm cho trẻ, giữ vệ sinh cá nhân bằng cách sát khuẩn, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc cúm và chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đúng, đủ lịch. |