Giá dịch vụ logistics có giảm sau khi giá xăng dầu giảm mạnh. Ảnh: Ngọc Thắng
Xăng dầu giảm từ 19 - 24%
Sau gần 3 tháng, xăng E5RON 92 từ mức 19.881 đồng/lít đã giảm xuống chỉ còn 16.056 đồng, tương đương giảm hơn 19%; dầu diesel 0.05S từ 16.591 đồng/lít giảm còn 13.035 đồng/lít, tương đương giảm gần 22%; dầu hỏa từ 15.585 đồng/lít nay giảm còn 11.846 đồng, tương đương giảm gần 24%... Giá xăng dầu trong nước chỉ có 1 đợt tăng mạnh vào đầu năm và sau đó có 4 đợt giảm giá liên tiếp theo đà đi xuống của xăng dầu thế giới. Từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã giảm từ mức 75 - 80 USD/thùng xuống còn 22 USD/thùng.
Ngân hàng Goldman Sachs mới đưa ra dự báo nhu cầu dầu trên thế giới năm 2020 sẽ giảm kỷ lục khoảng 1,1 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ đẩy giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20 USD/thùng trong những ngày tới. Thậm chí, theo một số dự báo, giá dầu có thể lao dưới mức 10 USD/thùng nếu dịch Covid-19 chưa được khống chế và cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Xê Út không sớm được giải quyết. Với tốc độ lao dốc đó, giá xăng trong nước sẽ nhanh chóng được giảm về dưới 15.000 đồng/lít trong thời gian ngắn tới đây. Điều này giúp các doanh nghiệp (DN) giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN logistics VN, trong hoạt động vận tải đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 23% toàn bộ hoạt động của DN. Vì vậy khi giá xăng dầu giảm mạnh thời gian qua thì các DN ngành này cũng bắt buộc sẽ giảm giá dịch vụ tương ứng.
Theo ước tính của ông Hiệp, một số DN đã bắt đầu giảm khoảng 5% phí dịch vụ vận tải và tiếp tục xem xét giảm thêm khi xăng dầu được tiếp tục điều chỉnh. Trong tháng 2, các DN logistics cũng đã có đợt giảm 10 - 20% phí lưu kho bãi, đặc biệt là kho lạnh để hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu nông sản khi bị ùn ứ tại cửa khẩu phía bắc. Vì vậy theo ông Hiệp, các DN trong ngành luôn có sự kết nối chặt chẽ với DN sản xuất, kinh doanh nên việc điều chỉnh giá dịch vụ khi xăng dầu đi xuống là tất yếu. Nếu DN nào không điều chỉnh thì khách hàng cũng sẽ yêu cầu và đó là đòi hỏi chính đáng của khách hàng.
Doanh nghiệp cần đồng hành người tiêu dùng
Bên cạnh giá xăng dầu giảm sâu, Bộ Công thương cũng thông báo sẽ giữ ổn định giá điện trong 2 quý đầu năm nay. Đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ về tổ chức, quản lý, kiểm soát tiết kiệm chi phí và áp dụng các giải pháp để giảm tổn thất điện năng, nâng cao năng suất lao động và tiết kiệm chi phí thường xuyên để giảm giá thành sản xuất… Xăng dầu và điện đều là nhóm hàng thiết yếu đầu vào cho tất cả ngành sản xuất. Do vậy hiện các DN có cơ sở để kéo giảm giá thành sản xuất, giảm giá hàng hóa khi đưa ra thị trường.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định các ngành hưởng lợi trực tiếp khi xăng dầu giảm giá mạnh như vận tải cần xem xét giảm giá dịch vụ. Từ đó sẽ kéo theo các loại hàng hóa, dịch vụ gián tiếp khác đi xuống. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các DN gặp khó đều kêu gọi nhà nước giảm các loại thuế, phí thì lúc này đến lượt DN cũng phải đồng hành với Chính phủ và người tiêu dùng.
Ông Long đặt vấn đề: Nếu giá xăng dầu chỉ giảm 1 kỳ (chu kỳ điều chỉnh là 15 ngày - PV) thì các DN không điều chỉnh giá hàng hóa theo kịp cũng dễ hiểu. Nhưng nay xăng dầu đã có 4 kỳ điều chỉnh và dự báo sẽ tiếp tục đi xuống, tại sao nhiều hàng hóa lại không giảm theo? Đặc biệt là dịch vụ taxi, giao nhận hàng hóa cũng sử dụng trực tiếp nhiên liệu nhưng cũng không giảm? “Các loại hàng hóa này nhà nước không kiểm soát giá và để DN cùng thị trường tự quyết định. Nhưng theo tôi khi cần thiết thì vai trò của quản lý nhà nước cũng phải lên tiếng.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, người tiêu dùng kỳ vọng giá các dịch vụ như vận tải và các ngành liên quan giảm theo giá xăng dầu là hợp lý. Bản thân các DN phải tự giác và linh động điều chỉnh giá cả hàng hóa theo cơ chế thị trường và quy luật cung cầu. Khi giá đầu vào giảm mạnh thì DN có cơ hội giảm giá, kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Theo Thanh Niên