Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là cần thiết
![]() |
Quang cảnh Phiên họp |
Tiếp tục Phiên họp thứ 44, chiều 23/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Đề cập về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 15 năm triển khai thi hành Luật SDNLTK&HQ đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn.
Mục đích ban hành của Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các quan điểm, đường lối của đảng, nhà nước đối về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức từ các rào cản kỹ thuật của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và các khu vực khác trên thế giới thông qua các công cụ hỗ trợ tài chính, cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế quỹ; Thúc đẩy phát triển, mở rộng thị trường cho các ngành dịch vụ tư vấn năng lượng; Góp phần chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (Cop26).
Dự thảo Luật được bám sát theo 04 chính sách đã được chính phủ trình ủy ban thường vụ quốc hội và không bổ sung, thay đổi các chính sách mới. dự án sửa đổi, bổ sung 21 khoản thuộc 19 điều của Luật SDNLTK&HQ ban hành năm 2010.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN & MT) Lê Quang Huy khẳng định, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật với các lý do đã nêu trong Tờ trình số 176/TTr-CP của Chính phủ; thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật; các quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp và đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện nguồn năng lượng Việt Nam còn thiếu; thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh trên nền tảng công nghệ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… nhằm đạt chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW.
Thường trực Ủy ban KH, CN & MT tán thành với chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (quy định tại khoản 2 Điều 1); về chiến lược, quy hoạch, chương trình sử dụng năng lượng (khoản 3 Điều 1); biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng (khoản 6 Điều 1). Tuy nhiên, cần rà soát, quy định cụ thể trong dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy |
Về quy định Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (khoản 17 Điều 1), hiện có 02 luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ trong thời điểm hiện nay vì nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, có nét tương đồng với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Hiện tại, Luật Ngân sách nhà nước đã quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Bộ luật Dân sự đã quy định về các quỹ xã hội nên không cần thiết quy định về Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ trong dự thảo Luật này.
Ý kiến thứ hai tán thành với quy định này vì lý do Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ là tổ chức tài chính nhà nước, được thành lập ở Trung ương, giao Bộ Công Thương quản lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành một phần do nhà nước cấp và các nguồn khác từ xã hội hóa. Hoạt động của Quỹ sẽ theo phương thức quỹ ủy thác thực hiện việc huy động và giải ngân, nguyên tắc hoạt động phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý… góp phần thực hiện các cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hiện nhiều nước trên thế giới đã thành lập Quỹ này.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ là có sơ sở, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban đề nghị quy định rõ và cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ trong dự thảo Luật làm căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.
Việc tiết kiệm điện cần được phát động trong toàn dân
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đóng góp ý kiến tại Phiên họp |
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNLTK&HQ có ý nghĩa đặc biệt trong điều kiện Việt Nam cam kết thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu.
Để đảm bảo tính khả thi của Luật với thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung nghiên cứu đảm bảo tính đồng bộ, rà soát kỹ lưỡng dự án Luật để không chồng chéo, mâu thuẫn với các luật liên quan. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền cho địa phương thực hiện SDNLTK&HQ trong điều kiện sắp xếp bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả; đồng thời làm rõ cơ chế giám sát, kiểm tra; nâng cao năng lực quản lý ở cấp xã, phường.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu phải sử công nghệ tiến tiến trong xử lý khói bụi ở các nhà máy điện than để không ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Việc tiết kiệm điện cần được phát động trong toàn dân và xây dựng cơ chế ưu đãi cho hộ gia đình, đơn vị, doanh nghiệp tích cực thực hành tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ chế khen thưởng, xử phạt để đảm bảo tính minh bạch, công khai.
![]() |
Các đại biểu và khách mời tham dự Phiên họp |
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về tính đồng bộ của dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNLTK&HQ với hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; làm rõ thêm thẩm quyền về đơn giản hóa thủ tục gắn với gắn với phân cấp, phân quyền, nhất là trong bối cảnh sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy hành chính mới. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng đề nghị Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, bảo đảm thực hiện nghiêm Quyết định số 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Quán triệt sâu sắc các giải pháp đổi mới tư duy xây dựng pháp luật gắn với các quy định cụ thể trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SDNLTK&HQ.
Thứ hai, tiếp tục rà soát thể chế đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
![]() |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đóng góp ý kiến tại Phiên họp |
Thứ ba, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về chính sách của Nhà nước về SDNLTK&HQ, xác định là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Xác định rõ nguồn lực tài chính ngoài nguồn ngân sách Nhà nước cần huy động nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu SDNLTK&HQ. Trách nhiệm của cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, áp dụng mô hình quản lý năng lượng theo quy định của cơ quan thẩm quyền thay vì theo hướng dẫn về quy định dán nhãn năng lượng đối với vật liệu xây dựng và các nội dung khác trong dự thảo luật.
Thứ tư, về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ sở thành lập Quỹ là Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, đề nghị tiếp tục nghiên cứu bố cục vị trí của quỹ trong dự thảo Luật cũng như quy định rõ và cụ thể hơn đối với một số nội dung cơ bản liên quan đến việc thành lập, quản lý mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ trong dự thảo Luật làm căn cứ để Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn trong thực hiện sau này.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về mô hình công ty dịch vụ năng lượng, có chính sách phát triển đối với loại hình này; đồng thời thể chế hóa thành những quy định cụ thể để khi có hiệu lực, việc thực thi áp dụng được khả thi và hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban KH, CN & MT để khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật gửi Ủy ban KH, CN & MT chậm nhất là ngày 26/4/2025 để thẩm tra chính thức, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9.
![]() |
![]() |
![]() |