Gia Lai: Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 Hơn 97% mẫu nông lâm thủy sản đạt yêu cầu an toàn thực phẩm Phát triển sản xuất, chế biến nông sản gắn với an toàn thực phẩm |
Nhà cung cấp bắt tay siêu thị kiểm soát chất lượng hàng hóa: Kỳ vọng “cuộc chơi” công bằng. |
Chiều 22/3, Sở Công thương TP.HCM có buổi làm việc cùng Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng nhằm trao đổi hoạt động cung ứng các mặt hàng nông sản Lâm Đồng vào thị trường TP.HCM; đề xuất hỗ trợ, phối hợp triển khai chương trình bình ổn thị trường, hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP.
6 hệ thống thương mại chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Phòng Quản lý Thương mại Sở Công Thương TP.HCM, cho biết mới đây, 6 doanh nghiệp thống phân phối lớn tại TP.HCM là Saigon Co.op, Satra, Central Retail, MM Mega Market, Aeon, Bách Hóa Xanh đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa. Một doanh nghiệp phân phối khác là Wincommerce cũng vừa đăng ký tham gia chương trình.
Việc hợp tác này nhằm tiến tới xây dựng chuỗi cung ứng hàng Việt Nam thật sự bền vững theo hướng hiện đại - minh bạch - an toàn - hiệu quả.
Các doanh nghiệp phân phối này sẽ cùng hành động trên tinh thần tự nguyện để phát hiện, ngăn chặn thực phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TP.HCM và sẽ công khai thông tin sản phẩm không an toàn. Từ đó tạo sức răn đe tổng hợp; định hướng chuỗi cung ứng phát triển lành mạnh, an toàn và có trách nhiệm
Bước đầu, chương trình thí điểm đối với 1 số sản phẩm thuộc 3 nhóm mặt hàng là: nhóm trái cây, nhóm rau củ quả và nhóm thịt.
Theo ông Nguyễn Minh Hùng, Phó phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP.HCM), thỏa thuận các siêu thị đặt ra gồm ba giai đoạn.
Trong đó, ở giai đoạn hai, nếu một siêu thị phát hiện sản phẩm nào đó vi phạm ATTP sẽ thông báo đến các siêu thị còn lại. Trong vòng 24 tiếng những siêu thị này tạm dừng kinh doanh để rà soát lại toàn bộ quy trình. Nếu nhà cung cấp (NCC) cố ý và vi phạm nhiều lần có thể bị ngừng hợp đồng. Thời điểm này, một số siêu thị đã tái ký hợp đồng với NCC bao gồm cam kết này.
“Sắp tới một đơn vị nữa sẽ đăng ký tham gia. Những hệ thống này chiếm 70% thị phần kênh bán lẻ hiện đại của TP.HCM cũng như cả nước. Nếu NCC không tự tin chất lượng, không cam kết với siêu thị thì thị phần sẽ thu hẹp. Do đó, buộc NCC tự kiểm soát quy trình chất lượng…” - ông Hùng nói.
Mong muốn một “cuộc chơi” công bằng
Đoàn công tác Sở Công thương TPHCM làm việc cùng Sở Công thương và doanh nghiệp rau củ Lâm Đồng chiều 22/3. |
Ông Phan Quốc Hoàng, Giám đốc Công ty Thảo Nguyên Xanh đánh giá cao sáng kiến hợp tác của các hệ thống bán lẻ cũng như ngành công thương TP.HCM trong việc chung tay siết lại an toàn thực phẩm. Hiện tại doanh nghiệp đang cung cấp rau quả xanh các loại được trồng trong nhà kính cho 2 đơn vị gồm hệ thống Saigon Co.op và Satra Food …
Với hơn 20 năm kinh nghiệm cung ứng hàng hóa cho siêu thị Co.opmart cũng như một số siêu thị khác, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH nông sản Thảo Nguyên nhận định, việc liên kết này rất hay, hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, sản xuất hàng chất lượng nhưng bán giá chợ, thậm chí bị đối tác bỏ rơi giữa chừng.
“Đây cũng là dịp để rà soát lại chất lượng của nhà sản xuất, cung ứng. Nhân đây, tôi cũng đề xuất có logo nhận diện riêng cho những doanh nghiệp sản xuất đạt chuẩn khi tham gia chương trình liên kết tự nguyện này”, ông Nguyễn Lam Sơn đề xuất.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng lo ngại tình trạng các tiêu chuẩn chênh nhau, gây khó cho doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Viet Farm thông tin, doanh nghiệp đang thực hành tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP và EU để cung cấp cho nội địa cũng như xuất khẩu. Giả sử, một trong 7 hệ thống bán lẻ trên giảm tiêu chí đầu vào, ngược lại có nơi lại tăng tiêu chí dẫn đến việc kiểm tra, giám sát cũng khác nhau gây khó cho doanh nghiệp. Theo đó, đại diện Viet Farm mong muốn một “cuộc chơi” công bằng, có sự tham gia giám sát của Sở Công thương TPHCM…
Theo bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Lâm Đồng cần nhìn nhận mối quan hệ nhà cung cấp và siêu thị là cộng sinh.
Do đó, để cuộc chơi giữa nhà cung cấp và siêu thị công bằng, minh bạch cần có sự tham gia của cơ quan nhà nước. Đồng thời, để bảo vệ nhà sản xuất địa phương, tránh trường hợp doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm chất lượng ATTP nhưng vì giá cả mà siêu thị chọn nhà cung cấp khác.
Ở góc độ cơ quan chuyên ngành, bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho rằng, 60-70% lượng hàng rau quả của TP Đà Lạt nói riêng, các địa phương khác của Lâm Đồng nói chung, cung ứng cho các hệ thống phân phối của TP.HCM. Mục tiêu của chương trình thí điểm hợp tác nhằm đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa đạt chuẩn…
Bà Thanh cũng nhấn mạnh, người tiêu dùng phải hiểu rằng, hàng chất lượng thì không thể rẻ và rau củ Đà Lạt có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng hoàn toàn không có giá rẻ.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay trong giai đoạn thí điểm chương trình, TP HCM mong muốn ghi nhận ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi theo yêu cầu của chương trình. Từ đó sẽ rút kinh nghiệm, tiến đến thống nhất 1 quy trình chung vừa thực tế, vừa khả thi, bảo đảm đáp ứng yêu cầu kiểm tra kiểm soát chất lượng hàng hóa một cách hiệu quả nhất. Trên cơ sở đó sẽ nhân rộng chương trình.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Sở sẽ ngồi lại với các hệ thống phân phối để xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử, cùng hành động. "Điều kiện để bán hàng vào siêu thị có thể sẽ khó hơn trước, trách nhiệm của NCC cũng cao hơn. Bù lại, các bên sẽ tiến tới 1 chuẩn nhập hàng chung (bên cạnh 1 số tiêu chuẩn riêng theo chiến lược kinh doanh của từng hệ thống); doanh nghiệp ký được hợp đồng bán hàng vào 1 hệ thống siêu thị sẽ đương nhiên được ưu tiên xúc tiến đưa vào các hệ thống siêu thị còn lại" – ông Phương nói.