Người nuôi dế “khùng” nhất vùng biên bỗng trở thành "triệu phú dế" ở tuổi 42 |
Từ vài ổ trứng dế nuôi thử
Người dân trong vùng quen gọi anh Hồ Đắc Vĩnh (42 tuổi, ngụ ấp 7, xã Suối Dây, H.Tân Châu, Tây Ninh) là “Vĩnh dế”. Anh Vĩnh được ví là “triệu phú dế” bởi anh đang sở hữu trại nuôi dế lớn nhất vùng biên giới Tây Ninh với số lượng khoảng 2,5 triệu con.
Anh Hồ Đắc Vĩnh nhẩm tính, với khoảng 100 thùng dế ở trại, ước tính có khoảng 2,5 triệu con. Trung bình mỗi tháng, trại dế anh xuất chuồng khoảng 500 – 600kg dế thương phẩm. Với mức giá thị trường dao động từ 70.000 – 130.000 đồng/kg dế tươi (trại dế cung cấp dế thịt, dế giống, thức ăn cho chim cảnh) thì thu nhập của anh Vĩnh từ 50-80 triệu đồng/tháng.
Ngoài dế tươi, năm 2021, sản phẩm dế sấy bơ tỏi ăn liền của anh Vĩnh cũng được bình chọn là 1 trong số 24 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Tây Ninh.
Nói về cơ duyên với nghề nuôi dế, anh Hồ Đắc Vĩnh cho biết, anh vốn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, biên giới huyện Tân Châu (Tây Ninh) nên đã không lạ lẫm gì với các loài dế sống ngoài đồng, ngoài ruộng. Anh Vĩnh nhớ lại, lúc nhỏ anh thường cùng anh em, bạn bè chung xóm ra ruộng đào hang, bắt dế để về đá dế hay chế biến các món ăn ngon dân dã từ dế, đó là những ký ức không thể nào quên đối với anh.
Sau khi lớn lên, cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật của nông nghiệp, người dân bắt đầu sử dụng nhiều loại thuốc hóa học, thuốc trừ sâu khiến con dế trong tự nhiên ngày một ít đi; trong khi nhu cầu thực phẩm từ các loại côn trùng như ve sầu, dế, bò cạp, rết... ngày càng tăng; nên năm 2004, anh quyết định nghỉ làm cán bộ công an xã ở địa phương để chuyên tâm thử sức với nghề nuôi dế thương phẩm.
“Thời điểm này hầu như có rất ít người nuôi dế, đặc biệt khó tìm được người có kinh nghiệm để học hỏi, thậm chí đến cả sách hướng dẫn cách nuôi dế cũng tìm không ra”, anh Vĩnh nhớ lại.
Nghĩ là làm, anh Vĩnh bắt vài ổ trứng dế ngoài ruộng về nuôi thử. Ban đầu nuôi một chuồng, sau đó anh nhân lên khoảng 5 chuồng. Anh Vĩnh cho hay đặc trưng chung dế là dễ nuôi, đẻ nhanh. Trung bình một con dế mái đẻ được khoảng 400 trứng cho một chu kỳ sinh sản kéo dài 22 ngày. Nắm được đặc tính ấy, chỉ sau vài tháng khởi nghiệp, đàn dế của anh đã lên đến hàng trăm ngàn con.
Những tưởng con dế giúp anh khởi nghiệp thành công, thế nhưng đến ngày gần xuất bán thì đàn dế lăn đùng ra chết sạch. Trắng tay, thua lỗ và ngay đến khoản tiền cám thức ăn anh cũng phải mang nợ. Để có tiền trả nợ, anh đôn đáo xoay sở đủ việc làm. Thế nhưng, anh luôn nghĩ, dế nuôi dễ sinh sản thì sao mà không thể nuôi được? Sau thời gian mày mò tìm hiểu và qua nhiều lần thất bại, anh phát hiện nguyên nhân do môi trường nuôi quá chật chội khiến đàn dế của mình không sống được.
“Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó”, nghĩ thế, năm 2018, anh Vĩnh bắt đầu lại với 1 khay trứng dế mượn từ người bạn. Dế nở, anh tách riêng, mật độ thưa hơn, thức ăn cũng có liều lượng hơn… Anh lấy những vỉ giấy đựng trứng làm tổ cho dế. Nhờ đó, đàn dế bắt đầu ổn định và lớn nhanh.
Theo anh Vĩnh, con dế rất dễ nuôi, chỉ cần nơi ở thoáng mát là dế sinh sống được. Dế nuôi không cần phải dùng thuốc, sạch, ít bệnh, hao hụt ít. Thức ăn dễ tìm, chủ yếu là cám, lá mì, các loại cỏ… Dế con từ khi mới nở đến lúc xuất thịt là 45 ngày, còn dế nuôi đẻ là 75 ngày. Đặc biệt, không nên nuôi quá lâu bởi tuổi thọ của dế chỉ khoảng 2 tháng, quá thời gian này dế sẽ tự chết.
Dế có tuổi thọ chỉ khoảng 2 tháng |
Đến sản phẩm OCOP 3 sao
Nuôi được con dế trưởng thành đã khó, nhưng khi đi chào bán dế tươi đến các nhà hàng, quán ăn anh cũng chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối. Một lần, anh liều mình, mượn bếp của quán ăn, tự tay chế biến hàng loạt món từ dế chiên giòn, dế kho tiêu, dế chiên bột…để chủ và khách thử. Vừa lạ miệng, vừa thơm ngon nên cũng từ đây, con dế bắt đầu vào các quán ăn.
Thực đơn chế biến từ dế của anh rất đa dạng gồm: Dế chiên giòn, dế kho tiêu, dế xào sả ớt, dế chiên bột, bánh xéo dế... Món nào cũng thơm ngon và lạ miệng nên được các nhà hàng chấp nhận. Vừa bán dế, vừa hướng dẫn họ cách chế biến. Sau gần hai năm, món dế đã trở thành đặc sản của nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
“Nhờ đáp ứng đúng tiêu chí ngon - sạch - bổ, món dế, nhất là dế xào sả ớt đã trở thành đặc sản có mặt ở nhiều quán nhậu, nhà hàng sang trọng. Chính mùi thơm riêng biệt cùng vị béo giòn khi ăn, đã đưa món dế trở thành món ăn được ưa chuộng nhất trong thực đơn các món về côn trùng”, anh Vĩnh chia sẻ.
Đặc biệt, ngoài xuất dế tươi, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, anh còn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, lò sấy để sản xuất dế thành phẩm như dế sấy sả ớt ăn liền, dế sấy bơ tỏi ăn liền, bột dế... Hiện các sản phẩm này đã được công nhận OCOP 3 sao và có mặt tại một số siêu thị trên cả nước.
Khi đã có đầu ra trên thị trường, anh Vĩnh không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dế, đồng thời ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con trong vùng.
Cuối tháng 12/2021, sản phẩm dế sấy bơ tỏi ăn liền của trại dế Oanh Vĩnh là 1/24 sản phẩm được tỉnh Tây Ninh bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021, các sản phẩm còn lại đang hoàn thiện hồ sơ nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao OCOP. Có thể khẳng định nghề nuôi dế đang trở thành phong trào phát triển mạnh ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, góp phần đa sinh kế cho người dân.
Tại sao nói nghề nuôi tôm như... đánh số đề! |
Anh nông dân nuôi lợn bằng rác khiến cả làng tò mò |
Chuyện đại gia thép đi nuôi gà, mỗi ngày bán 1 triệu quả trứng |