Lịch sử một món ăn “tiến vua”
Theo sách vở xưa còn để lại, khi phủ Thiên Trường trở thành kinh đô thứ hai của Vua Trần, các làng nghề truyền thống dần được hình thành và những của ngon vật lạ cả nước đổ về đây để dâng lên vua. Sau khi thưởng thức món nem nắm Nhà Vua khen rất ngon và món nem nắm Giao Thủy cũng có lai lịch từ thời đó. Đến như thi sĩ Tản Đà, một bậc sành ăn, ăn uống cầu kỳ, nâng chuyện ẩm thực lên tầm nghệ thuật cũng mê mẩn nem nắm Giao Thủy như “mê mẩn một người con gái”.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc, món nem nắm Giao Thủy được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác và đã trở thành “thương hiệu” được truyền tụng trong nhân dân và được coi là món ăn đặc sản của người dân Giao Thủy nói riêng và người dân Nam Định nói chung.
Ngày nay, thì món ăn tuyệt vời này đã được biết đến trên khắp cả nước và cả những du khách nước ngoài. Nem Nắm Giao Thủy luôn là một món ăn rất ngon, bổ dưỡng được ưa chuộng trong các buổi tiệc đám cưới, liên hoan…Và món ăn đặc biệt này đã vượt xa khỏi cái cổng làng để đến với mọi miền tổ quốc và người ta học cách làm nó với nhiều cách khác nhau…
Điều làm nên vị ngon “bất bại” của nem nắm
Nem nắm Giao Thủy cầu kỳ ở khâu chế biến, chính vì thế những người làm nem giỏi cũng thuộc hạng nghệ nhân, được ca tụng qua câu tục ngữ “Tay nem, tay chạo”. Nem làm bằng thịt lợn nhưng đó phải là thịt nạc mông ngon của con lợn khỏe mạnh, không nuôi bằng cám tăng trọng.
Ngay sau khi mổ, miếng thịt còn nóng hổi được chế biến ngay, tuyệt đối không được đặt xuống đất hay rửa bằng nước lạnh thịt mất độ dẻo, ngon. Sau khi lọc bì và nạc riêng rẽ, phần thịt nạc được luộc chín tới hoặc còn hơi tái, rồi thái to bản, dọc thớ những phải thật mỏng, rồi dùng sống dao dần cho mềm. Còn phần bì, được làm lông bằng nước nóng, luộc rồi lạng mỏng, thái nhỏ sao cho dài, trắng và đều.
Nguyên liệu làm nên mùi thơm chủ đạo của nem là thính. Thính phải được làm từ gạo tám thơm Hải Hậu bằng cách ngâm gạo qua đêm, để ráo nước rồi đem rang đến khi gạo có màu vàng ngà ngà rồi đem nghiền mịn. Đem 3 thứ thịt, bì, thính trộn đều cùng nước mắm, tỏi, vừa trộn vừa bóp kỹ, sao cho mắm hòa cùng với tỏi ngấm đều vào thịt, thịt quyện lấy thính, thính bám chặt lấy bì thành quả nem rồi đem bọc trong lá sung và là chuối để nem lên men và chín.
Các bước làm món nem nắm Giao Thủy
Nguyên liệu: Thịt mông 200g, bì lợn 200g, tỏi 5 múi, nước mắm Sa Châu, bột ngọt, thính (được làm từ gạo tám thơm), lá sung, lá đinh lăng
Cách làm
Bước 1: Luộc và băm nhuyễn thịt
Khâu lựa thịt rất quan trọng để làm nên món nem nắm ngon. Loại thịt làm nem phải là thịt mông tươi ngon, tốt nhất là loại lợn mới thịt xong là bán ngay đấy thịt còn nóng hổi.
Đem thịt rửa sách sau đó luộc tái chín, vớt ra để nguội 15 phút rồi dùng sống dao (loại dao lớn chút ) băm cho nhuyễn thịt. Các bạn lưu ý chỉ luộc thịt tái thì mới có món nem ngọt và không bị khô.
Bước 2: Rửa và ngâm lá đinh lăng, lá sung
Lá đinh lăng và lá sung nhặt sạch sẽ, ngâm với nước muối và rửa lại nhiều lần cho sạch. Nếu không có lá sung và lá đinh lăng thì món ăn mới chỉ thành công một nửa.
Bước 3: Luộc và thái bì lợn
Bì lợn nếu mua ở siêu thị thì chỉ cần rửa và đem luộc, nếu mua ở ngoài chợ thì phải cạo sạch long sau đó rửa sạch rồi mới luộc.
Không nên luộc bì quá lâu sẽ mất độ giòn, chỉ luộc chừng 3 đến 5 phút. Để bì nguội sau đó cắt sợi thật mỏng.
Bước 4: Trộn thịt, bì với các nguyên liệu
Cho thịt vào tô lớn, nêm 3 muỗng nước mắm, chút bột ngọt, tỏi băm rồi bóp thật đều cho thịt thấm gia vị. Tiếp theo cho thính vào bóp đến khi thính bám vào thịt. Cuối cùng cho bì vào bóp chung. Các bạn lưu ý với món nem, chúng ta phải dùng tay bóp kĩ chứ không được trộn.
Vo cục nem lại thành từng viên vừa phải cho ra đĩa, khi ăn cuốn với lá sung và lá đinh lăng. Món này chỉ ăn trong ngày, tốt nhất là làm xong ăn liền sẽ ngon hơn.
Ăn nem nắm không thể ăn riêng rẽ từng thứ một mà phải hòa trộn, cố kết tất cả thành một khối đoàn kết. Chỉ khi đó miếng nem mới thực sự lan tỏa hết độ ngon, độ hấp dẫn của nó. Hãy trải một tấm lá sung làm nền, trên đó là đinh lăng, lá mơ, ngọn húng rồi rải một lớp nem, nhẹ nhàng cuốn chặt lại, chầm chậm chấm vào bát nước chấm rồi thong thả đưa lên miệng nhai.
Nem nắm Giao Thủy có vị béo ngậy mà không ngán, lẫn với vị hơi chát của lá sung sẽ tạo nên cảm giác rất lạ miệng và hòa quyện các vị khi thưởng thức!