Mua cây, hoa để trưng nhà, dâng lên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết Nguyên đán là nét văn hoá đẹp của người Việt.
Một số loại cây được ưa chuộng vào dịp này không chỉ có tác dụng trang trí nhà cửa, cầu may mắn mà còn là vị thuốc trong Đông y, chữa được nhiều bệnh.
Hoa dừa cạn
Hoa dừa cạn là vị thuốc Đông Y, có tác dụng giải độc |
Mỗi dịp cận Tết, dạo quanh chợ hoa, những chậu dừa cạn nhỏ xinh được bày bán rất nhiều với giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của nhiều gia đình.
Dừa cạn là một cây thân thảo, cao chừng 40–60cm và phân thành nhiều cành. Thân mọc thẳng, hình trụ, nhẵn, lúc non có màu lục nhạt sau chuyển dần sang màu đỏ hồng. Lá mọc đối, hình bầu dục, mặt trên có màu sẫm hơn mặt dưới.
Hoa có màu hồng hoặc trắng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá gần ngọn, có 5 cánh đều nhau. Quả dài, gồm 2 đại, mọc thẳng đứng và hơi ngả sang hai bên. Mỗi quả chứa 12–20 hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình trứng.
Dừa cạn là vị thuốc trong y học cổ truyền, có vị hơi đắng, tính mát, có tác dụng hoạt huyết, tiêu thũng, hạ huyết áp và giải độc.
Dược liệu này được dùng để thông tiểu tiện, chữa bệnh đi tiểu ít, kinh bế, huyết áp cao, có nơi dùng làm thuốc ra mồ hôi, chữa tiêu hóa kém và lỵ. Một số người đã dùng loài cây này để hỗ trợ điều trị ung thư máu, ung thư phổi.
Bộ phận dùng để làm thuốc chủ yếu là lá và phần ngọn cây, được phơi nắng nhẹ hoặc sấy ở nhiệt độ 30–50ºC cho khô. Sau đó đem sắc nước uống, chế biến thành dạng trà hoặc dùng giã, đắp.
Sung
Quả sung tươi giàu dinh dưỡng và tương đối ít calo, là thực phẩm tuyệt vời cho một chế độ ăn uống lành mạnh. |
Trong quan niệm dân gian, sung được hiểu là “sung túc”, hơn nữa những chùm sung chi chít quả cũng được coi là biểu hiện của sự sinh sôi, nảy nở. Chính bởi thế mà sung là loại cây được nhiều người mua về trưng nhà ngày Tết hoặc mua theo chùm để bày lên mâm ngũ quả.
Không chỉ đẹp, quả sung còn có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ. Sung có vị ngọt, hơi chát, tính mát, có tác dụng thông huyết, chỉ thống, lợi tiểu, tiêu thũng, tiêu viêm, bổ máu. Nhựa sung, lá sung và vỏ cây sung đều có rất nhiều công dụng hữu ích trong điều trị các loại bệnh.
Nhựa sung được coi là một vị thuốc quý để chữa bệnh nhức đầu và một số bệnh ngoài da như chốc, nhọt, sưng đau, tụ máu, hỗ trợ chữa hen. Lá sung là loại “thuốc bổ” dành cho người suy nhược, mới ốm dậy, giúp phụ nữ mới sinh lợi sữa, chữa gan nóng, vàng da, sốt, cảm cúm.
Theo y học cổ truyền quả sung có tính bình, vị ngọt, vào hai kinh Túc thái âm tỳ và Túc dương minh vị. Có tác dụng tăng cường tiêu hóa, tiêu thũng, giải độc, trị viêm ruột, kiết lỵ, đại tiện bí, trĩ, đau họng, mụn nhọt mẩn ngứa...
Trong quả sung có nhiều chất dinh dưỡng quý, nhiều loại đường và acid hữu cơ. Chất nhựa từ quả sung xanh có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư mô liên kết (sarcoma, làm chậm quá trình di căn của tế bào ung thư trong ung thư máu và sarcoma hạch bạch huyết, hỗ trợ trong điều trị nhiều loại ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa.
Ngoài ra, quả sung chứa nhiều vitamin A và C giúp làn da sáng đẹp, mịn màng. Các khoáng chất trong quả sung giúp làn da ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện mụn nhọt, mụn cóc…
Hoa hồng bạch
Hoa hồng bạch trị ho rất hiệu quả |
Không chỉ mang một vẻ đẹp tinh khôi, hoa hồng trắng (hay còn gọi là hoa hồng bạch) còn có nhiều tác dụng tuyệt vời trong y học. Hoa hồng bạch có vị ngọt, tính bình, mùi thơm nhẹ, không độc.
Công dụng phổ biến trong y học cổ truyền là hỗ trợ chữa ho cho trẻ nhỏ với các tác dụng như làm săn se, sát khuẩn; giảm ho, long đờm; nhuận tràng; an thần, dễ ngủ.
Ngoài ra, khi bị mụn nhọt sưng tấy, nóng đỏ gây khó chịu, bạn có thể hái một ít cánh hoa hồng bạch rồi rửa nhẹ, giã nát và đắp lên da vì hoa hồng có tính sát khuẩn nên sẽ giúp giảm sưng viêm. Bên cạnh đó, trong trường hợp miệng và lưỡi bị lở loét, bạn cũng có thể hái vài cánh hoa hồng bạch giã nhuyễn rồi trộn với một ít mật ong và thoa lên.
Cách dùng: khi trẻ húng hắng ho, cha mẹ trị ho cho bé bằng cánh hóa hồng bạch như sau: rửa sạch cánh hoa hồng bạch, trộn với lượng đường phèn vừa đủ.
Sau đó, cho thêm một ít nước lọc, đem hấp cách thủy rồi lấy nước cho bé uống 3 – 4 lần/ngày, 1 thìa/ lần. Cách này phù hợp với cả trẻ dưới 1 tuổi.