Mô hình nuôi cá của anh Trương Trung Cường |
Năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường, dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai…, anh Trương Trung Cường ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh đã rất thành công với mô hình nuôi cá cảnh.
Hơn 20 năm trước, từ Tây Ninh anh Cường lên TP Hồ Chí Minh học đại học rồi lập gia đình, về nhà vợ ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh sinh sống. Vùng đất nhà vợ chủ yếu trồng lúa, nhưng đất bị phèn và nước nhiễm mặn, đến khi khu công nghiệp thành lập, nguồn nước thêm ô nhiễm, cuộc sống của người dân chỉ dựa vào cây lúa nên rất khó khăn.
“Lúc đó, tôi làm việc cho công ty nước ngoài, trong vài lần đến chơi nhà người quen, thấy họ nuôi cá cảnh, tôi mua về nuôi với suy nghĩ để giải trí. Nhưng sau khi nhân được giống, tôi nghĩ ngay đến việc nuôi kinh doanh rồi quyết định nghỉ việc có thu nhập khá tại công ty nước ngoài”, anh Cường kể lại.
Năm 2004, anh Cường bắt đầu nuôi kinh doanh cá cảnh, và gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, vốn ít, khi xảy ra bệnh cá lại không biết cách chữa trị. Thời điểm đó mạng internet chưa phổ biến, mặt khác không có ai hướng dẫn cách trị bệnh cá, nên anh Cường tự tìm kiến thức trên sách vở. Đến khi nắm được ít “mẹo” trị bệnh cá, thì chào hàng không ai mua. Do đó, anh Cường phải gửi các cửa hàng cá cảnh bán giúp, khi họ bán hết anh mới lấy tiền.
“Trong năm 2004, bán được lứa cá cảnh đầu tiên với số tiền 350.000 đồng (tương đương 5 phân vàng), tôi quyết định thuê 3.000 m2 ở ngã tư Bình Phước để đầu tư lớn, nhưng tiếp tục thất bại do chưa nắm hết kỹ thuật. Nhìn cá chết hàng loạt, tôi nản lắm, nhờ vợ động viên nên tôi tiếp tục nuôi, đến năm 2006 về xã Tân Nhựt thuê gần 4 ha nuôi cá cảnh. Năm 2014, tôi cùng vợ bỏ cây lúa để nuôi cá cảnh, rồi dời hẳn về nhà vợ để nuôi và bắt đầu xuất khẩu trên 50 loại cá cảnh nước ngọt bằng nguồn tự sản xuất và mua từ các trại cá cảnh vệ tinh”, anh Trương Trung Cường kể tiếp.
Mô hình nuôi cá của anh Cường có diện tích 1.300 m2 |
Hiện tại nhà anh Cường nuôi cá trong vài trăm hồ kính và bể xi măng (diện tích 1.300 m2). Theo anh Cường, cứ 1 m3 nước thả khoảng 200 cá bột giống. Hiện nay đã tạo được con giống, giảm rất nhiều chi phí cho người nuôi. Về thức ăn, các loài ăn chung một loại, chủ yếu trùn chỉ (120.000 đồng/kg), nhưng cá dĩa phải cho ăn thêm tim bò, mỗi ngày cá cảnh trong nhà anh Cường nuôi ăn từ 5-10 kg trùn chỉ, có cho ăn thêm cám viên, thức ăn công nghiệp.
Với mô hình nuôi cá cảnh trên diện tích 3ha, hằng năm anh Cường thu nhập hơn một tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động, hỗ trợ dạy nghề nuôi cá cảnh và bao tiêu sản phẩm cho hơn 10 hộ nông dân trong xã.
Với vai trò là tổ trưởng tổ cá cảnh, anh đã vận động 11 hộ vào tổ để cùng áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất. Ngoài ra, anh Cường còn tích cực dạy miễn phí nghề nuôi cá cảnh (kỹ thuật nuôi, chọn giống, nhân giống, nuôi đến cá lớn…), bao tiêu sản phẩm cho tổ hợp tác, góp phần tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và thoát nghèo bền vững ở địa phương.