Trên mâm cơm ngày Tết hoặc trong những dịp trọng đại của người miền Bắc, canh bóng bì là món ăn không thể thiếu. Thế nhưng món ăn này lại có phần xa lạ với người miền Nam.
Canh bóng bì được tạo nên bởi rất nhiều nguyên liệu: bóng bì, nấm hương, giò sống, trứng, đậu hà lan, súp lơ xanh,… Đây là món ngon, có vị thanh nhẹ, dễ ăn, kết hợp của cả thịt và rau xanh. Tương tự canh, bóng bì xào cũng được tạo nên bởi ngần đó nguyên liệu, chỉ khác ở cách chế biến.
Canh bóng bì hay bóng bì xào xuất hiện nhiều trên mâm cỗ của người miền Bắc |
Lợi ích của bóng bì với sức khoẻ
Bóng bì là phần da lợn được cạo hết lông bên ngoài và lọc hết lớp mỡ bên trong, phơi khô, nướng phồng. Khi chế biến thường được ngâm nước cho mềm, tẩy bằng rượu trắng và gừng cho hết mùi hôi. Khác với nhiều món ăn ngày Tết nhiều chất, gây ngấy, bóng bì dễ ăn, mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, có những tác động tích cực đến làn da.
Bóng bì chứa protein, lipid, glucid và khoáng chất: calci, phospho, sắt... Chất protein chủ yếu là keratin, elastin, collagen... Chất collagen có nhiều trong các bộ phận cơ thể người (da, gân, sụn, xương và các tổ chức liên kết), tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Các món ăn có bóng bì đều có tác dụng bổ huyết, thông sữa, dưỡng da, nhuận tràng dùng tốt cho người bị khô rát, bong da, đau sưng họng.
Bóng bì được làm nên bởi bì lợn, bày bán nhiều ở chợ và siêu thị với giá thành rẻ |
Lưu ý khi mua và sử dụng bóng bì
Hiện nay trên thị trường có nhiều cơ sở sản xuất bóng bì nhưng không phải nơi nào cũng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để sản xuất bóng bì, nhiều cơ sở sản xuất sử dụng nước javen, oxy già và chất phụ gia công nghiệp như kalisunfit, hydrosunfit. Đây đều là những hóa chất có tính tẩy mạnh. Nếu ăn thường xuyên sẽ bị ngộ độc, tiêu chảy, đau bụng, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ ung thư.
Bóng bì bị tẩy trắng gây ra ngộ độc, rối loạn tiêu hoá |
Không dễ dàng để nhận biết bóng bì sạch hay bẩn bằng mắt thường. Tuy nhiên vẫn có thể chọn mua theo những tiêu chí sau:
Màu sắc: Bì lợn sạch, được lấy từ lợn khỏe mạnh sẽ có màu trắng hồng, thường có thêm lớp mỡ trong bì màu trắng phau đẹp mắt. Trong khi bì lợn tẩy hóa chất sẽ có màu trắng bất thường, trắng quá mức, không có lớp mỡ bên trong bì.
Độ giòn: Bì lợn sạch có độ giòn và dai, trong khi bì lợn bẩn có thể rất dai nhưng không đảm bảo độ giòn dài lâu.
Hương vị: Bì lợn sạch sẽ có mùi thơm đặc trưng của bì lợn, trong khi bì lợn ngâm hóa chất thường không có mùi vị gì của thịt lợn, mùi hôi hay thậm chí là mùi bất thường của hóa chất.
Tuyệt đối không sử dụng bóng bì khi có thực nhiệt (nhiễm trùng, sốt cao).