Hai “viên ngọc” du lịch Việt lọt top thế giới: Hà Giang và Hội An làm nên kỳ tích Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch với ba “điểm vàng” Cánh cửa mới cho nông sản qua lối du lịch trải nghiệm |
Du lịch tiềm năng với khoảng cách gần, chi phí hợp lý
![]() |
Khách du lịch tham quan di sản thế giới Thành nhà Hồ dịp lễ 30/4 và 1/5 |
Chị Nguyễn Thu Hương (28 tuổi, đến từ Nam Định), hiện đang làm việc trong ngành du lịch nhận xét, nếu không có mùa đông, du lịch Thanh Hóa chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. "Tôi vừa kết thúc kỳ nghỉ ba ngày, hai đêm tại Sầm Sơn cùng gia đình trong dịp lễ 30/4. Tôi cho rằng so với các điểm đến khác như Quảng Ninh, Nghệ An hay Cát Bà, Thanh Hóa có nhiều lợi thế vượt trội về khoảng cách, chi phí hợp lý và sự tiện lợi trong di chuyển, khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho các chuyến du lịch biển ngắn ngày của người dân miền Bắc", chị Hương chia sẻ .
Với thói quen du lịch hè đều đặn, Chị Ngô Minh Thu (30 tuổi, đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Mỗi năm, tôi và nhóm bạn luôn lựa chọn Sầm Sơn cho kỳ nghỉ hè của mình. Biển ở đây không chỉ sạch mà còn có sóng mạnh và bãi cát tuyệt đẹp. Người miền Bắc về Sầm Sơn đông đúc, giống như người miền Nam đến Vũng Tàu vậy.”
Trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày dịp 30/4 năm nay, cả nước ghi nhận hơn 10,5 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 31% so với năm ngoái. Thanh Hóa đón khoảng 1,6 triệu lượt khách, đạt doanh thu hơn 4.170 tỷ đồng, chỉ xếp sau TP HCM. Năm 2024, tỉnh này từng đứng đầu cả nước về chỉ số này. Ngoài ra, Thanh Hóa cũng thuộc nhóm địa phương có mức chi tiêu trung bình cao của du khách, đạt khoảng 2,6 triệu đồng/người.
Bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, cho rằng một số yếu tố góp phần tạo nên sức hút lớn của địa phương gồm thời tiết thuận lợi, kỳ nghỉ kéo dài, cùng với hệ thống giao thông hiện đại, như tuyến cao tốc Bắc – Nam, quốc lộ 10, các trục đường ven biển và các tuyến kết nối các điểm đến. Thêm vào đó, việc giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều người lựa chọn đi du lịch gần bằng ô tô, trong đó Thanh Hóa trở thành điểm đến lý tưởng cho khách từ miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Về tài nguyên du lịch, Thanh Hóa có bốn khu nghỉ mát ven biển nổi tiếng: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa và Tiên Trang. Tỉnh còn sở hữu nhiều điểm tham quan văn hóa, lịch sử như khu di tích Lam Kinh, Thành Nhà Hồ – di sản thế giới, suối cá thần Cẩm Lương và quảng trường biển. Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch mới cũng được đưa vào phục vụ du khách như phố đi bộ, chợ đêm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, tour rừng, tour đảo…
Tiềm năng và những thách thức cần vượt qua
![]() |
Nhiều người kết hợp trải nghiệm công viên nước với kỳ nghỉ biển tại Sầm Sơn. |
Một yếu tố khác giúp lượng khách tăng cao là dân số địa phương lớn – hơn 3 triệu người, đứng thứ ba toàn quốc. Sự đông đúc của người dân bản địa góp phần đáng kể vào lượng khách nội tỉnh trong các kỳ nghỉ lễ. Ông Trần Văn Minh, Tổng quản lý Công viên nước Sun World Sầm Sơn, chia sẻ năm nay là lần đầu tiên công viên hoạt động trong dịp lễ 30/4 và đã ghi nhận hơn 19.000 lượt khách trong 5 ngày. Phần lớn là các gia đình có trẻ em từ các tỉnh lân cận. Nhiều người kết hợp trải nghiệm công viên nước với kỳ nghỉ biển tại Sầm Sơn.
Theo ông Minh, Thanh Hóa đang dần khẳng định vai trò là trung tâm du lịch lớn của miền Bắc nhờ sở hữu đa dạng địa hình núi – biển, khoảng cách gần Hà Nội và các đô thị lớn, cùng sự phát triển nhanh về sản phẩm du lịch có yếu tố trải nghiệm. Cách đây khoảng một thập kỷ, Thanh Hóa từng bị phàn nàn về tình trạng “chặt chém” và buôn bán thiếu minh bạch. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh đã có nhiều cải thiện như yêu cầu niêm yết giá, lắp cân đúng chuẩn tại các chợ và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ hình ảnh du lịch địa phương. Bà Yến cho biết, các lực lượng quản lý thị trường, công an địa phương được chỉ đạo phối hợp chặt chẽ để xử lý các hành vi gian lận như xe điện bắt tay với cửa hàng để ép giá khách du lịch.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch châu Á, đánh giá Thanh Hóa có nhiều tiềm năng nhưng vẫn cần cải thiện một số điểm. Mặc dù hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, vẫn còn những khu vực cần nâng cấp. Hiện tượng ô nhiễm môi trường và chất lượng dịch vụ tại một số khu du lịch cũng cần được quản lý tốt hơn. Đặc biệt, để thu hút khách quốc tế, tỉnh cần xây dựng thêm các sản phẩm du lịch độc đáo và tăng số lượng cơ sở lưu trú cao cấp – bởi hiện tại, Thanh Hóa vẫn thiếu vắng các khách sạn 4-5 sao.
Dù có số lượng khách và doanh thu cao, tỷ lệ lưu trú trung bình của du khách tại Thanh Hóa vẫn ở mức 70%, thấp hơn mức trung bình cả nước (hơn 80%). Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu do tỉnh có quy mô phòng lớn, lên tới 65.000 buồng – cao gấp 2,5 lần so với Kiên Giang – nơi có Phú Quốc. Với số lượng cơ sở lưu trú lớn như vậy, Thanh Hóa hiện nằm trong nhóm 5 tỉnh có nhiều phòng khách sạn nhất cả nước. “Tuy còn một số điểm cần hoàn thiện, Thanh Hóa vẫn là ngôi sao sáng trong bản đồ du lịch nội địa và luôn nằm trong danh sách lựa chọn hàng đầu của du khách miền Bắc mỗi khi đến kỳ nghỉ lễ lớn,” ông Quỳnh nhận định.