Chợ hải sản lớn nhất Quảng Nam họp vào lúc giao nhau giữa ngày và đêm Xuất khẩu mực, bạch tuộc năm 2022 dự kiến tăng 22% so với cùng kỳ Loại hải sản tuy nhỏ nhưng có "võ", rất được lòng thực khách |
![]() |
Lý do gì khiến máu của con sam biển có giá cao ngất ngưởng, 400 triệu đồng/lít |
Loài hải sản đắt đỏ và quý hiếm
Với ngoại hình tựa như một sinh vật đến từ thời tiền sử, con sam có lẽ còn khá lạ lẫm với nhiều người. Tuy nhiên trên thực tế, động vật này sinh sống và thậm chí là đặc sản của một vài vùng biển của Việt Nam.
Sam biển là loài hải sản thuộc họ sam (Limulidae), có hình dáng trông giống như với các hóa thạch thời tiền sử. Loài hải sản này đã tồn tại từ cách đây hơn 450 triệu năm, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử.
Ở nước ta, con sam biển có nhiều ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hóa, Bình Thuận,... Hai loài sam phổ biến nhất ở bờ biển Việt Nam là Tachypleus tridentatus và Carcinos corpius rotundicauda.
Sam biển là loài vật có có 6 đôi chân và 4 mắt, trong đó có 2 mắt lồi ra ở bên thân thể và 2 mắt còn lại ở trên đầu nằm sát vào nhau. Con sam phân bố ở các vùng ven biển, chủ yếu là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Sam biển sống thành từng cặp cho đến hết đời.
Mỗi cặp sam đẻ nhiều trứng từ tháng 4 đến tháng 7, tháng 8 và sau khi đẻ trứng, con sam cái sẽ bò đi nơi khác. Nếu đánh bắt đúng mùa thì sam cái sẽ có rất nhiều trứng. Sam cái có kích thước lớn hơn sam đực. Một con sam cái thường nặng từ 1,5 - 3kg, có khi nặng hơn. Còn sam đực nhỏ hơn một nửa, chỉ từ 1 - 2kg.
Tuy nhiên, việc đánh bắt sam khá khó. Sam chỉ sống được khoảng 3 ngày khi rời khỏi biển nên không phải thực khách nào cũng có cơ hội được thưởng thức món ngon trứ danh này.
![]() |
Công đoạn chế biến sam cũng rất cầu kỳ. Phải là người đi biển lâu năm mới cho ra được những món sam tuyệt vời được. Nếu bắt được con sam không ăn sứa thì không sao nhưng bắt phải con ăn sứa thì gan và ruột của nó cực độc, có thể gây chết người.
Chính vì vậy người làm cần phải rất cẩn thận. Cả một con sam chỉ lấy riêng phần bụng và phần trứng, tránh không để ruột và gan sam bị vỡ. Sau khi đã được sơ chế hoàn chỉnh, sam có thể trở thành nguyên liệu của rất nhiều món hấp dẫn và bổ dưỡng như chân sam xào chua ngọt, gỏi sam, sam xào sả ớt, trứng sam chiên giòn, sụn sam nướng, sam bao bột rán, sam xào miến… món nào ăn cũng đều hấp dẫn.
Món ăn về sam thì nổi bật nhất là sam trứng nướng. Khi nướng sam chuyển màu từ xanh sang vàng là lúc nó đã chín, lúc này người của quán sẽ dùng kéo cắt quanh mép phần thân đầu, lột lớp áo giáp phía dưới để lộ ra bọng trứng vàng ươm như trứng cá tầm để thưởng thức.
Tùy theo thời điểm mà giá thành của sam cũng khác nhau. Sam được bán theo đôi, mỗi đôi có giá dao động từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Với những đôi sam nhẹ cân, không đúng mùa, thịt không thơm ngon bằng chính vụ thì giá thành rẻ hơn, chỉ vài trăm ngàn đồng.
Vì khó đánh bắt, không sống được lâu lại kỳ công chế biến nên sam chỉ xuất hiện trong thực đơn ở một số nhà hàng. Nhiều thực khách muốn thưởng thức sam đành chấp nhận di chuyển hàng trăm cây số về vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh để "mục sở thị" những món ăn lạ miệng từ sam.
“Chất lỏng” kì lạ
Điều khiến sam biển nổi tiếng không phải ở thịt của chúng mà là ở dòng máu mà chúng sở hữu.
Khác với các loài hải sản khác có máu đa phần là màu đỏ hoặc màu sẫm. Sam biển lại có máu màu xanh dương vô cùng độc đáo. Tuy nhiên điều khiến cho máu của chúng có mức giá lên tới 400 triệu đồng/lít không chỉ có như vậy.
![]() |
Trong máu của sam biển có chứa một nhân tố đông máu có tên là LAL |
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và phân tích ra rằng, trong máu của sam biển có chứa một nhân tố đông máu có tên là LAL (Limulus amebocyte lysate), có khả năng phản ứng với vi khuẩn Gram âm.
Gram âm là loại vi khuẩn thường xuyên xuất hiện trong các dụng cụ y tế nếu các dụng cụ đó không được khử trùng đúng cách. Gram âm xuất hiện có khả năng khiến người bệnh bị nhiễm khuẩn và gia tăng nguy cơ tử vong.
Việc phát hiện ra LAL đã giúp các nhà khoa học biết được các dụng cụ y khoa có bị nhiễm Gram âm hay không, thông qua việc hình thành nên một lớp màng dẻo bọc lên vi khuẩn. Nhờ đó mà các dụng cụ y khoa sẽ được đem đi khử khuẩn đúng cách.
Sự phát hiện ra LAL trong máu của sam biển đã khiến cho ngành công nghiệp khai thác sam biển trở nên nở rộ. Ước tính mỗi năm có đến hơn 600.000 con sam bị đánh bắt, mang tới nguồn doanh thu 50 triệu đô cho ngành công nghiệp không khói này mỗi năm.
Một gallon (3,7 lít) máu của sam biển hiện đang có mức giá 60.000 USD (hơn 1,4 tỷ đồng), tức là tính ra cứ 1 lít máu của sam biển trị giá hơn 400 triệu đồng. Mặc dù có giá trị cao, thế nhưng ngành công nghiệp này lại không làm chết những con sam biển khi lấy máu vì yếu tố nhân đạo.
Vì số lượng sam trên thế giới là rất có hạn nên cách lấy máu sam mang tính chất bảo tồn và hạn chế việc làm chết chúng. Theo đó, mỗi chú sam sẽ được hút 30% lượng máu trong cơ thể.
Dẫu vậy, vì đây cũng là một lượng máu khá lớn nên khoảng 30% cá thể sam thường không thể qua khỏi quá trình lấy máu. Bên cạnh đó, cũng không ai chắc về việc 70% còn lại sẽ hồi phục ra sao sau khi được trả lại tự nhiên.
![]() |
Chuyên gia y tế Christopher Chabot thuộc ĐH Plymouth State cho biết ngành khai thác máu sam phải tăng cường độ an toàn, ví dụ như giảm thời gian sam rời biển, đảm bảo nhiệt độ và môi trường phù hợp cho sam khi vận chuyển chúng nhằm giảm số lượng sam chết.
"Chưa rõ sam sẽ tuyệt chủng khi nào, nhưng đến lúc đó ngành y tế thế giới sẽ đối mặt với một thời kỳ đen tối", chuyên gia Chabot cảnh báo.
Hiện nay do biến đổi khí hậu nghiêm trọng, cộng với việc đánh bắt, khai thác bừa bãi đã khiến số lượng sam biển bị giảm đi đáng kể. So với thời điểm 15-20 năm trước thì lượng sam biển đã bị giảm đi đến 90%.
Nhiều hoạt động bảo tồn loài sinh vật này đã được tiến hành để giúp chúng tiếp tục tồn tại. Năm 2016, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã đưa loài sam vào sách đỏ để bảo tồn. Đây là bước đi được coi là có ý nghĩa nhằm bảo vệ loài sinh vật này. Tuy nhiên, tiếp tục dùng máu sam để phục vụ y tế không phải là cách bền vững cho loài sinh vật cổ đại này.
Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ, chỉ khoảng 50 năm nữa sẽ không còn bất cứ con sam biển nào để đánh bắt nữa. Khi đó ngành y tế sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc tìm kiếm giải pháp để thay thế hoạt chất LAL trong máu loài sam.
![]() |
![]() |
![]() |