Sầu riêng đang tạo bước đột phá xuất khẩu, chuẩn bị cán mốc 1 tỷ USD. |
Sầu riêng quán quân xuất khẩu sắp chạm mốc 1 triệu USD
Theo số liệu mới nhất vừa được Hải quan công bố, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt 2,7 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sầu riêng dẫn đầu kim ngạch, đạt 876 triệu USD, tăng 832 triệu USD so với cùng kỳ 2022.
Sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 835 triệu USD, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết nguyên nhân xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh là do tháng 5 và 6 vào mùa thu hoạch rộ loại quả này ở các tỉnh phía Nam nên lượng hàng xuất sang Trung Quốc tăng đột biến. Từ tháng 8 tới cuối năm sẽ bước vào chính vụ thu hoạch ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng sẽ tăng vọt và xuất khẩu sầu riêng dự tính vượt 1 tỷ USD.
Kiểm tra sầu riêng xuất khẩu tại các cửa khẩu. |
Ngoài ra, theo ông Nguyên nhiều năm qua, Chính phủ đưa ra nhiều quyết sách, ký nhiều nghị định thư, FTA mở cửa thị trường cho ngành rau quả phát triển.
Gần đây, giá sầu riêng Việt Nam được doanh nghiệp và tiểu thương Trung Quốc mua giá cao. Ngoài ra, thời gian vận chuyển ngắn, sản phẩm của Việt Nam luôn tươi ngon nên có sức cạnh tranh mạnh so với hàng Thái.
Hiện, giá thu mua sầu riêng đang tăng mạnh do hàng miền Tây vào cuối vụ. Tại các nhà vườn, giá sầu riêng loại một đang rao bán 85.000-100.000 đồng một kg.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hoạt động thu mua và xuất sầu riêng đang thuận lợi. Năm nay loại quả này bán nội địa và quốc tế đều hút khách vì chất lượng cao hơn so với mọi năm. Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ loại trái cây này tăng 10-15% so với năm 2022.
Nỗi lo trà trộn trái non không đạt chuẩn và vi phạm kiểm dịch thực vật
Thống kê của Cục Trồng trọt, nếu như năm 2017, cả nước có 37.000 ha sầu riêng, đến năm ngoái đã tăng lên 110.300 ha. Trong đó, Tây Nguyên tăng 39.300 ha, Đồng bằng sông Cửu Long tăng gần 15.000 ha và Đông Nam Bộ tăng gần 14.000 ha. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước giai đoạn này là 24,5%.
Sản lượng sầu riêng năm nay ước khoảng 1 triệu tấn, tăng 15,9% so với năm 2022. Trong đó, quý III sản lượng khoảng 350.000 tấn, quý IV ước đạt 260.000 tấn.
Hiện nay, sản lượng sầu riêng chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ đầu năm tới nay, nhu cầu tăng cao nên giá sầu riêng vẫn duy trì ở mức cao. Thời điểm này các tỉnh Tây Nguyên bước vào thời kỳ thu hoạch sầu riêng. Tuy nhiên do quy trình chăm sóc và thu hái chưa đảm bảo đã khiến chất lượng sầu riêng giảm, khiến doanh nghiệp thiếu sản lượng xuất khẩu, trong khi sầu riêng tại nhà vườn đang tồn nhiều.
Bên cạnh việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thương lái chạy theo số lượng nên cố tình cắt sầu riêng chưa đủ tuổi để bán tại các thị trường dễ tính. Đây là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến chất lượng sầu riêng tại Việt Nam bị giảm sút, cũng là lý do sản lượng nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không đủ hàng để xuất khẩu sang thị trường khó tính.
"Thay vì chỉ cắt được 5 tấn, họ cắt tới 10 - 15 tấn trong ngày đó. Theo thông báo, vừa qua, nhiều container của Việt Nam đi qua chất lượng không tốt, bị yếu, bị sượng, bị non khiến những nhà doanh nghiệp đó bị thua lỗ nhiều và những container đó họ sẽ bán không được, phải quay đầu về lại Việt Nam", bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định, Xuân Lộc, Đồng Nai, thông tin.
Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc trồng và khai thác sầu riêng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. |
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã nhận được một số thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc liên quan đến vi phạm về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam.
Việc buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói dẫn đến tình trạng kiểm soát không hiệu quả các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm và làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc, thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Để bảo đảm việc tuân thủ quy định và tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát chặt chẽ từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố bố trí đủ nguồn lực để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến rộng rãi quy định của Trung Quốc, cũng như tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Cục Bảo vệ thực vật, để tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và xuất khẩu sang Trung Quốc biết và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu.
Đối với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Đồng thời sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới các lô hàng xuất khẩu không đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và tái phạm nhiều lần trong quá trình kiểm tra kiểm dịch thực vật.
Dù gia tăng sản lượng xuất khẩu sầu riêng, nhưng Việt Nam cần trú trọng tới chất lượng, bởi cuộc cạnh tranh xuất khẩu loại trái cây vua này sẽ ngày càng khố liệt. Năm 2022, Thái Lan xuất khẩu hơn 800.000 tấn sầu riêng, thu về 3,5 tỷ USD. Việt Nam dự kiến sản lượng sầu riêng xuất khẩu năm nay có thể lên 400.000-500.000 tấn, kim ngạch ước đạt 1,5 tỷ USD./.