Hợp tác xã bị thu hồi giấy phép khiến 2.600 hộ dân tham gia với diện tích 1.260ha sầu riêng lo lắng. |
Hàng nghìn hộ trồng sầu riêng lo lắng
Khoảng 2 tuần nữa, sầu riêng Đắk Lắk sẽ vào chính vụ, đến đợt thu hoạch lớn nhất trong năm. Năm 2023, thương lái khắp nơi đổ xô về đặt cọc với giá cao, nhiều nông hộ trồng sầu riêng cảm thấy phấn chấn. Thế nhưng, hàng ngàn nông hộ khác thuộc Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắk đang đứng ngồi không yên bởi một sự cố ngoài ý muốn.
Ông Đỗ Xuân Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắk thông tin, cuối tháng 6, đơn vị bị UBND huyện Krông Pắk thu hồi giấy phép kinh doanh.
Trong vòng 5 năm qua, ông Hoàng cùng bà con nông dân đã tích cực trồng, chăm sóc sầu riêng theo các quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng được 26 mã vùng trồng. Toàn Hợp tác xã đang có 2.600 hộ dân tham gia với diện tích 1.260ha sầu riêng. Đây cũng là một trong những Hợp tác xã lớn của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.
Theo tìm hiểu được biết, hiện Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắk đã có đơn khiếu nại về việc bị UBND huyện Krông Pắk thu hồi giấy phép kinh doanh gửi đến nhiều cơ quan trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Thời điểm này, vùng sầu riêng tại huyện Krông Pắk chuẩn bị cho thu hoạch. |
Một lãnh đạo UBND xã Ea Yông (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) thông tin, hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắk bị thu hồi giấy phép kinh doanh do một số vướng mắc trong quá trình kiện toàn nhân sự. Tuy nhiên, việc đơn vị bị thu hồi giấy phép sẽ không ảnh hưởng đến mã vùng trồng. Mã vùng trồng là do bà con liên kết, sản xuất theo quy chuẩn phía đối tác yêu cầu. Còn hợp tác xã bị thu hồi giấy phép là liên quan đến luật hoạt động. Đây là 2 vấn đề khác biệt nên bà con cứ yên tâm chăm sóc vườn, đảm bảo chất lượng, quy chuẩn.
Cũng liên quan đến sự việc này, trước đó, ngày 19/6/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 5105/UBND-KT gửi UBND huyện Krông Pắc về việc xử lý Đơn kiến nghị việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
“Giao UBND huyện Krông Pắc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu Đơn kiến nghị nêu trên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao hướng dẫn, trả lời Hợp tác xã cây ăn trái Krông Pắc theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước”, nội dung Công văn nêu.
Cơ hội xuất khẩu sầu riêng "chính ngạch" có bị ảnh hưởng?
Ông Hoàng trao đổi: “Chúng tôi đầu tư công sức, bỏ ra nhiều chi phí để đầu tư sản xuất theo quy chuẩn, xây dựng được 26 mã vùng trồng. Chúng tôi mong muốn được xuất khẩu sầu riêng chính ngạch, thoát khỏi nỗi lo bị cò, thương lái ép giá. Nào ngờ, gần đến vụ mùa thì đơn vị bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Hơn 1.000ha sầu riêng ước cho sản lượng 30.000 tấn và 26 mã vùng trồng chưa biết đi đâu về đâu”.
Ông Hoàng cho rằng việc Hợp tác xã bị thu hồi giấy phép kinh doanh đã “chặn đường” xuất khẩu sầu riêng chính ngạch của các nông hộ trong vùng. Trong khi đó, việc xuất khẩu sầu riêng theo đường tiểu ngạch sẽ rất phức tạp, giá cả bấp bênh. Gần cả tháng nay, người nông dân mất ăn mất ngủ. Mọi chuyện đang rối như "canh hẹ". Bao nhiêu công sức mới đầu tư xây dựng mã vùng trồng thì giờ đổ bể, chẳng biết kêu ai.
Chung nỗi lo với ông Hoàng, anh Nguyễn Đức Tâm, một hộ dân trồng sầu riêng (thuộc Hợp tác xã Cây ăn trái Krông Pắk) chia sẻ: "Bà con trồng sầu riêng quanh năm tất bật, cực khổ. Đặc biệt, việc trồng, chăm sóc sầu riêng theo quy chuẩn của đối tác, xây dựng mã vùng trồng còn khó khăn hơn. Do đó, ai cũng mong muốn có vụ mùa ổn định, được xuất khẩu chính ngạch.
Các cấp chính quyền địa phương đang khẩn trương vào cuộc xử lý vấn đề xuất khẩu sầu riêng khi HTX bị thu hồi giấy phép. |
Còn 2 tuần nữa là sầu riêng vào chính vụ. Hiện, Hợp tác xã đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Chúng tôi lo lắng không biết rồi có xuất khẩu được chính ngạch không hay phải đi đường tiểu ngạch”.
Trước những lo lắng của người dân, ông Đinh Xuân Diệu – Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc xác nhận sự việc và cho biết đang chỉ đạo các đơn vị vào cuộc để xử lý vụ việc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã do đã vi phạm khoản 2 Điều 56 Luật Hợp tác xã.
“Công an tỉnh họ đã thu hồi con dấu của HTX. Do đó, Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện đã thu hồi giấy phép (giấy chứng nhận) vì họ sai phạm. Tôi đang chỉ đạo các đơn vị vào cuộc để xử lý làm rõ, nhằm tránh việc ảnh hưởng thương hiệu sầu riêng xuất khẩu ở huyện Krông Pắc. Việc xuất khẩu sầu riêng Krông Pắc có tầm ảnh hưởng rất lớn, đó là một thương hiệu của huyện nói riêng và nói chung của nước ta. Vì vậy, chúng tôi không thể vì một lý do nào đó mà làm ảnh hưởng đến thương hiệu này được, ngăn chặn các doanh nghiệp đang “vượt rào” gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh xuất khẩu ở địa phương”- ông Diệu nói.
Ông Diệu nhấn mạnh: "Hiện tại, sầu riêng ở huyện Krông Pắc đang vào mùa thu hoạch. Do đó, lượng thương lái đổ xô về thu mua rất nhiều. Để tránh việc mua bán mã vùng trồng, chính quyền đã yêu cầu các đơn vị liên quan vào cuộc nhằm đảm bảo thương hiệu sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc đúng theo quy định"./.