Vì sao đu đủ bonsai hút khách mua dịp Tết? Món ăn nghe lạ tai nơi vùng cao xứ Nghệ gây sốt dịp Tết Bưởi vuông, dưa hấu thỏi vàng... hút hàng dịp Tết |
Ăn uống, sinh hoạt mất cân bằng khiến sức khỏe bị ảnh hưởng
Tiêu thụ nhiều đồ ăn dầu mỡ và đồ uống có cồn trong dịp lễ hội là yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa, gan mật, tim mạch… |
PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ngày tết không ít người quan niệm rằng, một năm mới có một dịp Tết nên ăn uống thả ga. Do đó, nhiều người có xu hướng ăn uống vô độ, ăn quá nhiều, không kiểm soát khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, dễ gặp các vấn đề về sức khỏe như tăng cân, trào ngược dạ dày.
"Thực tế, chỉ cần một tuần ăn uống mất kiểm soát, cơ thể sẽ tích mỡ xấu. Thực phẩm trong ngày Tết đều thuộc nhóm giàu đạm, chất béo và tinh bột, hàm lượng calo cao. Trong khi đó, mọi người có thời gian nghỉ ngơi dài ngày, ngừng làm việc và lao động nên nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm so với ngày thường. Khi ăn quá nhiều sẽ khiến cân nặng tăng nhanh", PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, ăn quá nhiều cũng dễ dẫn đến tăng nồng độ đường, mỡ trong máu. Ở những bệnh nhân có bệnh lý như đái tháo đường hay rối loạn mỡ máu..., việc này sẽ làm gia tăng tình trạng bệnh. Nhiều người chỉ ăn thịt, không ăn rau, dẫn đến tình trạng mất cân đối, thiếu các loại vitamin và khoáng chất.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên giám đốc Trung tâm khám và Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cũng cho biết, ngày Tết ngoài ăn uống thiếu kiểm soát, nhiều người ăn mất cân bằng khiến sức khỏe bị ảnh hưởng. Theo đó, trong mâm cơm ngày tết lại quá nhiều chất đạm và chất béo từ các món: Thịt, cá, giò, chả, nem, thức ăn nhanh (thịt hun khói, xúc xích, lạp xưởng), thịt kho tàu, thịt nấu đông… Nhóm chất bột đường cũng quá nhiều từ bánh chưng, bánh tét, bánh, mứt kẹo, nước ngọt, các loại quả sấy khô…
"Một chế độ ăn dư thừa chất đạm, chất béo, chất ngọt nhưng lại thiếu vitamin, chất khoáng và chất xơ… ngay cả người bình thường đã không tốt, còn đối với những người mắc bệnh mạn tính như: Đái tháo đường, gout, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, suy thận, bệnh dạ dày, viêm đại tràng... vô cùng nguy hại", bác sĩ Lê Thị Hải chia sẻ.
Bác sĩ Lê Thị Hải cảnh báo, khi ăn uống mất cân bằng trong dịp Tết, nhất là ăn nhiều đồ ngọt, chất đạm, chất béo sẽ rất nguy hiểm. Theo đó, ăn quá nhiều chất đạm ảnh hưởng đến bệnh nhân suy thận, làm cho tình trạng bệnh nặng lên. Ăn quá nhiều chất béo gây tăng tình trạng rối loạn mỡ máu, tăng tình trạng xơ vữa động mạch dẫn đến tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu tim…
"Các món ăn sẵn như thịt xông khói, lạp xưởng, xúc xích... chứa lượng muối và mỡ cao, cực kỳ không tốt cho người bị tăng huyết áp. Nhiều người bị đột quỵ ngay sau bữa ăn uống nhiều bia rượu ngày lễ, Tết. Uống nhiều rượu có thể gây hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị với thuốc hạ đường huyết", bác sĩ Lê Thị Hải chia sẻ thêm.
Trong dịp Tết ngoài việc ăn uống thiếu kiểm soát khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, trong dịp Tết nhiều người tranh thủ thời gian nghỉ để ngủ được nhiều hơn. Tuy nhiên, thói quen này vô tình gây hại cho sức khỏe rất nhiều, vì khi ngủ nhiều sẽ kéo theo tình trạng lười vận động, xong lại ăn nhiều từ đó dẫn tới tình trạng tăng cân, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạn tính không lây.
Ngoài ra, trong dịp Tết mọi người bận rộn, làm việc nhà hay nội trợ liên tục cũng gây căng thẳng stress nhất là chị em phụ nữ. Ngoài ra, ngày lễ Tết, việc chi tiêu nhiều, sau đó phải đối mặt với những hậu quả lâu dài như nợ nần cũng gây ra những rối loạn tâm thần. Với những người cô đơn, độc thân cũng dễ gặp những áp lực từ gia đình, xã hội điều này cũng làm gia tăng rối loạn tâm thần trong đó có stress, trầm cảm. Đặc biệt, những người phải ăn Tết xa quê khiến họ cảm cảm thấy lạc lõng, từ đó gây nên sự buồn bã, căng thẳng và dẫn tới trầm cảm.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt tốt cho sức khỏe ngày Tết
Việc lựa chọn thực phẩm hợp lý sẽ giúp cho cân bằng về dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. |
Để có một sức khỏe tốt trong ngày Tết, theo các chuyên gia tâm lý, hãy duy trì các thói quen lành mạnh như ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, tập hít thở sâu, tránh lạm dụng rượu bia và thuốc lá. Đồng thời, nên chi tiêu hợp lý, phù hợp với khả năng của mình, giao tiếp xã hội ở mức độ vừa phải và điều chỉnh thời gian dành cho mạng xã hội để tránh tiếp nhận quá nhiều thông tin gây stress.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng tư vấn, thời gian ngủ sẽ phụ thuộc vào mỗi lứa tuổi, với người trưởng thành dù ngày Tết hay ngày thường nên ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày là hợp lý. Ngoài ngủ đủ giờ thì ngủ đúng giờ cũng rất quan trọng, tuyệt đối không vì vui chơi mà thức quá khuya, dậy quá muộn sẽ làm thay đổi nhịp sinh học vốn có của cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong ngày Tết nếu duy trì được việc ăn uống như ngày thường là rất tốt, nhưng điều đó cũng rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do có nhiều món ăn, tiếp khách nhiều … vì thế, việc lựa chọn thực phẩm hợp lý sẽ giúp cho cân bằng về dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Hồng Sơn tư vấn, Khi chọn thực phẩm cho dịp nghỉ Tết cần ưu tiên thực phẩm tươi sạch như ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin và chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa. Giảm đồ chiên rán và thực phẩm nhiều đường như bánh chưng, bánh tét, thịt mỡ, các món nhiều dầu mỡ hoặc đường, mứt Tết.
Bên cạnh đó, Tết là dịp để thưởng thức rất nhiều các món ăn truyền thống tuy nhiên dù bánh chưng và bánh tét là món truyền thống, nên ăn vừa đủ (1-2 lát nhỏ mỗi bữa) và kết hợp với rau xanh. Ngoài ra, khi ăn cần tăng cường protein chất lượng nên chọn thịt nạc, cá, hải sản, và các loại đậu thay vì thịt mỡ hoặc thực phẩm chế biến sẵn.
TS.BS Trương Hồng Sơn đánh giá, việc ăn nhiều mỗi bữa và ăn quá nhiều bữa là tình trạng thường gặp trong dịp Tết. Do vậy, để ăn uống được cân bằng, mọi người cần phải có kế hoạch cho việc ăn uống, như vậy mới bảo vệ được sức khỏe. Cụ thể, mọi người cần lưu ý những điểm sau: Tránh ăn quá muộn vào buổi tối hoặc ăn vặt không kiểm soát. Nếu có nhiều món, hãy ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để tránh quá tải cho hệ tiêu hóa. Đảm bảo nhu cầu 40ml/kg trọng lượng mỗi ngày, thay các thức uống nhiều đường bằng nước lọc: Đồ uống nhiều đường như coca, nước ngọt,… có thể dẫn đến nạp quá nhiều đường bổ sung vào trong cơ thể bạn và khiến bạn tăng cân.
TS.BS Trương Hồng Sơn cho lời khuyên, ngoài việc ăn cân bằng các nhóm chất, trong ngày Tết nên tránh việc sử dụng rượu bia, nhất là sử dụng quá nhiều trong những buổi tiệc. Rượu bia mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực với sức khỏe như có thể gây ngộ độc, rối loạn thần kinh, tiêu hóa, tăng nguy cơ đột quỵ. Dù việc sử dụng rượu bia là khó tránh khỏi trong dịp Tết, nhưng khi sử dụng cần phải lưu ý không nên sử dụng rượu mạnh, quản lý số lượng sử dụng mỗi ngày.
Theo khuyến cáo, không nên uống quá 14 đơn vị trong 1 tuần, với nam giới không quá 3 đơn vị rượu/ngày, nữ giới không quá 2 đơn vị rượu/ngày. Một đơn vị cồn theo cách tính của Tổ chức Y tế Thế giới bằng 10g cồn nguyên chất, tương đương với 3/4 chai bia 330 ml (5% cồn), một ly rượu vang 100 ml (13,5% cồn), một cốc bia hơi 330 ml, hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40% cồn).
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn ngoài ra duy trì thói quen vận động là việc cần phải làm thường xuyên trong dịp Tết. Việc làm này không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, mà còn làm giảm lượng calo nạp vào, từ đó tránh được tăng cân. Theo đó, nên dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để đi bộ, chạy bộ, tập yoga hoặc các bài tập nhẹ nhàng. Tối ưu nhất là 5 ngày thể dục, 2 ngày thể thao mỗi tuần. Đồng thời với đó là tránh ngồi lâu sau mỗi bữa ăn, nên đi bộ nhẹ để hỗ trợ tiêu hóa.