Tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An Tái đàn lợn ở Bình Thuận: Chú trọng đảm bảo an toàn dịch bệnh Hà Nội: Xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại một hộ chăn nuôi |
Không chủ quan với dịch tả lợn châu Phi |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 9/2020, giá lợn hơi trung bình trên cả nước dao động trong khoảng 76.000 – 82.000 đồng/kg. Do nguồn cung thiếu hụt nên trong 8 tháng đầu năm 2020 Việt Nam đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn.
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 64.660 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 152,56 triệu USD, tăng 272,6% về lượng và tăng 352,6% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Trong đó, Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020.
Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam. Trong đó, có hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Về đàn lợn trong nước, hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) cơ bản được kiểm soát, đàn lợn đang dần khôi phục nhưng việc tái đàn vẫn còn chậm, giá lợn giống liên tục ở mức cao kể từ đầu năm (khoảng 2,5-3,0 triệu đồng/con) nên việc tái đàn chủ yếu tập trung ở các cơ sở chăn nuôi lớn.
Ước tính tổng số lợn của cả nước tháng 9/2020 tăng khoảng 3,6% so với cùng kì năm 2019; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 2,48 triệu tấn, giảm 3,2% so với cùng kì năm 2019, riêng quý III/2020 đạt 846.200 tấn, tăng 9,7% so với quý III/2019.
V rút DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường |
Theo đánh giá của Cục Thú y cho thấy, mặc dù DTLCP cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn đang là “nguy cơ” đe dọa đến năng suất ngành chăn nuôi lợn của nước ta. Do đặc điểm của vi rút DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, hiện chưa có thuốc, vắc xin phòng bệnh, trong khi tổng đàn lợn có thể tăng cao trong thời gian tới.
Việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng để phục vụ nhu cầu các lễ hội, thời tiết thay đổi bất lợi cho đàn lợn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Vì vậy, để tránh tình trạng để dịch bệnh tái phát và lây lan, các tỉnh, thành phố cần có chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tiến hành công bố đã hết bệnh DTLCP theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi và mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Tổ chức thực hiện tháng vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh lưu hành ngoài môi trường, các khu vực chăn nuôi, khu vực nguy cơ cao. Thời gian thực hiện đến hết 20/10/2020, sau đó là các tháng trước, sau Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, cần chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn để nuôi thương phẩm và lợn đến cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.