Sự kết hợp khéo léo giữa truyền thống và hiện đại
Họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang (sinh năm 1995, Hà Nội) sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật sâu sắc. Ông nội là NSND Chu Mạnh Chấn, nổi tiếng với việc phục hồi di sản văn hóa Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài. Bố là NSƯT Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long – người nghệ sĩ đầy đam mê với nghệ thuật rối nước.
Ngay từ nhỏ, Chu Nhật Quang đã được tiếp xúc với các kỹ thuật làm tranh sơn mài bởi anh thường được ông và bố dẫn đến xưởng vẽ của gia đình.
Họa sĩ Chu Nhật Quang đang hoàn thiện một bức tranh sơn mài. |
Chàng họa sĩ trẻ từng có nhiều năm học tập chuyên sâu về hội họa tại trường Santa Ana ở California, Mỹ, và hoàn tất bằng cử nhân ngành Thiết kế Ứng dụng tại Đại học RMIT, Melbourne (Australia). Chính những trải nghiệm từ nước bạn đã giúp anh phát triển tư duy hội họa, dung hòa giữa văn hóa truyền thống và hiện đại.
Luôn mang trong mình niềm đam mê, tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống, sau khi đi du học trở về, Chu Nhật Quang đã quyết định tập trung toàn bộ vào sơn mài. Các hình ảnh quen thuộc từ tuổi thơ như những con rối và các linh vật như long, ly, quy, phượng đã trở thành nguồn cảm hứng chính trong các sáng tác đầu tay của anh.
Những điều này không chỉ thể hiện sự gắn bó với nghệ thuật truyền thống mà còn mở ra một con đường sáng tạo mới trong nghệ thuật sơn mài của Chu Nhật Quang.
Làn gió mới trong nghệ thuật truyền thống
Khi nhắc đến sơn mài, mọi người sẽ thường liên tưởng đến những mảng màu trầm, với sự điềm đạm quyền uy của sắc vàng son hay nền trắng vỏ trứng. Tuy nhiên với chàng họa sĩ trẻ Chu Nhật Quang điều này khác hẳn. Những tác phẩm của anh sống động, nổi bật với các nét vẽ chi tiết. Nhờ đó mà các bức tranh của chàng họa sĩ ấy không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn làm nổi bật những biến đổi tinh tế về màu sắc trong nghệ thuật sơn mài, mang đến một sự mới mẻ và độc đáo cho loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Dù là một họa sĩ trẻ nhưng Chu Nhật Quang đã thấu hiểu và làm chủ được tinh hoa của nghệ thuật sơn mài.
Họa sĩ Chu Nhật Quang đang miệt mài bên giá vẽ. |
“Làm tranh sơn mài đối với tôi chưa bao giờ là một quá trình dễ dàng, chất liệu để làm tranh sơn mài cũng độc đáo và đắt đỏ bậc nhất. Tuy nhiên, thứ quyết định thành bại của một tác phẩm nằm ở kỹ thuật của người họa sĩ. Để vẽ ra được một bức tranh sơn mài đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn trong từng công đoạn: từ phác thảo, lấy nét, gắn trứng, phủ bạc, lên màu, vừa vẽ vừa mài…Người vẽ tranh phải kiên trì, phát triển những kỹ thuật cơ bản ứng dụng lên bức tranh của mình. Và quá trình hoàn thiện một tác phẩm sơn mài thường rất lâu, đôi khi kéo dài tới đôi tháng hoặc vài năm” - họa sĩ Chu Nhật Quang bộc bạch.
Tác phẩm “Vầy nước bên sông” mô tả cảnh nhóm trẻ chơi đùa bên sông trong buổi chiều tà của họa sĩ Chu Nhật Quang. |
Chiêm ngưỡng các tác phẩm của Chu Nhật Quang, điều đặc biệt nhất mà người xem cảm nhận được đó chính là sự hòa quyện giữa màu sắc mang phong cách rất “Tây” với những gam màu tươi sáng và kỹ thuật phối màu hiện đại. Sự kết hợp độc đáo này không chỉ tôn vinh vẻ đẹp truyền thống mà còn mang lại sự tươi mới cho nghệ thuật sơn mài, tạo nên dấu ấn riêng biệt trong làng nghệ thuật đương đại.
Tác phẩm “Nơi bắt đầu” của họa sĩ Chu Nhật Quang. |
Khi được hỏi về tác phẩm nào mà anh cảm thấy ấn tượng nhất, Chu Nhật Quang chia sẻ rằng bức tranh "Nơi bắt đầu" là tác phẩm anh vô cùng tâm đắc bởi nó gắn liền với những kỷ niệm đặc biệt. Tác phẩm này được anh vẽ vào năm 2021 với thời gian hoàn thiện trong hơn một năm, có bổi cảnh chùa Thầy (Thạch Thất, Hà Nội), thủy đình giữa hồ kết hợp với con rồng trong múa rối nước. Tác phẩm không những thể hiện sự sáng tạo mà còn chứa đựng kỷ niệm quý giá về lần đầu tiên anh được ông và bố dẫn về quê hương đúng dịp hội làng và biểu diễn múa rối nước.
Những tác phẩm của anh dù mang vẻ ngoài mộc mạc nhưng lại chứa đựng chiều sâu tinh tế, tạo nên mối liên kết sâu sắc giữa quá khứ với văn hóa dân tộc. Đồng thời gợi lên trong lòng người xem những hoài niệm về một thời đã qua.
Không giống nhiều họa sĩ khác, Chu Nhật Quang không vẽ tranh vì mục đích kinh tế: “Với tôi, mỗi bức tranh sơn mài là một phần của tâm hồn và di sản gia đình. Bởi vậy, tôi và gia đình không có ý định thương mại hóa chúng. Tôi muốn những tác phẩm này đến được những nơi thật sự ý nghĩa - nơi mà giá trị văn hóa nghệ thuật được tôn vinh. Và phần còn lại sẽ được lưu giữ trong phòng trưng bày riêng của gia đình như một cách tri ân nghệ thuật và gìn giữ di nghệ thuật truyền thống này” - họa sĩ Chu Nhật Quang chia sẻ.
Triển lãm đầu tay tại Hoàng Thành Thăng Long Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 -10/10/2024), họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ tổ chức triển lãm 50 tác phẩm tranh sơn mài tại khuôn viên Hoàng Thành Thăng Long (số 19C Hoàng Diệu, quận Ba Đình, TP. Hà Nội). 50 tác phẩm ấy đều được vẽ từ ký ức của Chu Nhật Quang về quang cảnh đồng quê ngày xưa, chiếc cổng làng cổ kính, chùa Thầy nép mình dưới chân núi… Sự kiện này không chỉ là dịp để Chu Nhật Quang giới thiệu nghệ thuật sơn mài Việt Nam đến công chúng và giới yêu hội họa, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa di sản văn hóa và những sáng tạo mới mẻ. Đối với Quang, nghệ thuật chính là cuộc sống, là niềm hạnh phúc. Chừng nào trái tim còn đập , bàn tay còn cầm được cọ và còn sức sáng tạo anh sẽ không ngừng vẽ. Đây chính là thông điệp mà anh muốn gửi gắm đến tất cả mọi người qua triển lãm sắp tới. |