Dâm bụt còn có tên là râm bụt. Râm: che bóng, bụt: Phật. Râm bụt là cái lọng che Phật vì hoa có hình dạng giống cái lọng. Tên khoa học Hibiscus rosa- sinensis L. Họ Bông Malvaceae.
Ngoài ra, cây còn có tên khác: bụp, xuyên can bì, phù tang, mộc cẩn.
Theo Đông y, lá dâm bụt vị nhạt, nhớt, tính bình, có tác dụng làm dịu, an thần, tẩy nhẹ, nhuận tràng, chữa viêm niêm mạc dạ dày, ruột, đại tiện ra máu, kiết lỵ, mụn nhọt, ghẻ lở, mộng tinh, đới hạ.
Hoa dâm bụt vị ngọt, tính bình có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, sát trùng, chữa kinh nguyệt không đều, khó ngủ, hồi hộp, đái đỏ.
Vỏ rễ dâm bụt vị ngọt, tính bình, có tác dụng điều kinh, chống ho tiêu viêm, chữa viêm tuyến mang tai, viêm kết mạc, viêm khí quản, viêm đường tiết niệu, viêm cổ tử cung, bạch đới, kinh nguyệt không đều, mất kinh.
Công dụng của hoa dâm bụt
Giảm huyết áp
Một số nghiên cứu kiểm tra tác dụng của chiết xuất hoa râm bụt đã phát hiện ra rằng, hoa dâm bụt có thể làm giảm huyết áp tâm thu (là áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp) của bạn.
Trong số tất cả các bệnh về tim, tăng huyết áp là tình trạng phổ biến nhất và việc tìm ra các biện pháp để chống lại nó trở nên vô cùng quan trọng.
Hợp chất hoạt tính sinh học có trong cây dâm bụt gây giải phóng oxit nitric từ nội mô mạch máu, dẫn đến tăng lọc thận, một cơ chế chống lại tác dụng lợi tiểu và hạ huyết áp của nó.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ của bạn trước khi dùng trà dâm bụt nếu bạn đã dùng thuốc chống tăng huyết áp.
Ngăn ngừa xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là tình trạng có chất béo tích tụ trong mạch máu, khi vỡ có thể gây tử vong.
Vai trò phòng ngừa của dâm bụt được phát huy bằng cách giảm lipoprotein mật độ thấp hoặc cholesterol "xấu" được tích lũy với số lượng lớn.
Giảm sự oxy hóa cholesterol "xấu"
Nguy cơ chính của việc tích tụ chất béo nằm ở quá trình oxy hóa của chúng. Khi cholesterol "xấu" tích lũy bị oxy hóa, nó sẽ dẫn đến chứng xơ vữa động mạch và nguy cơ tiềm ẩn đối với nhiều vấn đề về tim khác.
Một cách dễ dàng để ngăn chặn quá trình oxy hóa là áp dụng chế độ ăn uống giàu chất chống oxy hóa. Hãy nhớ rằng bạn không cần bổ sung chất chống oxy hóa để có tác dụng này (trừ khi được kê đơn), thực phẩm của bạn có thể "làm tất cả".
Hoa dâm bụt chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, hợp chất phenolic, beta carotene và vitamin C giúp ức chế quá trình oxy hóa cholesterol xấu.
Chống viêm
Ngoài cholesterol cao và huyết áp cao, chứng viêm còn có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn.
Viêm không thực sự là một điều xấu. Đó là cơ chế bảo vệ mà cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng. Tuy nhiên, tình trạng viêm mãn tính có thể thúc đẩy các mảng bám trong mạch máu và có thể làm tổn thương các mô của bạn.
Tin tốt là bạn có thể dễ dàng ngăn cơ thể rơi vào trạng thái này bằng cách tuân theo chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh cho tim.
Các nghiên cứu đã gợi ý rằng,các chất oxy hóa có trong hoa dâm bụt có tác dụng chống viêm có thể bảo vệ tim mạch. Những chất chống oxy hóa này hỗ trợ ngăn ngừa stress oxy hóa và do đó kiểm soát tình trạng viêm, theo NDTV Food.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa dâm bụt
Chữa mất ngủ: Dùng hoa dâm bụt hãm với nước nóng thay nước chè.
Chữa kiết lỵ: Hoa dâm bụt kép 10g, lá mơ lông 8g, trứng gà một quả. Đập trứng vào thuốc đã thái nhỏ, trộn đều, cho vào bát hấp cách thủy hoặc hấp cơm cũng được, ăn hết một lần, dùng 2-3 ngày sẽ hiệu quả.
Chữa thống kinh: Hoa dâm bụt kép 5g, ngãi cứu 5g, bồ kết 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần trong 15 ngày liền trước kỳ kinh 20 ngày.
Chữa di tinh: Hoa dâm bụt 10g, hạt sen 30g. Sắc uống ngày 1 thang trong 10 ngày liền.
Chữa kinh nguyệt không đều: Vỏ rễ dâm bụt 30g, lá huyết dụ 25g, ngãi cứu 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần/ngày. Uống 3 ngày, uống trước hành kinh 7 ngày.