Mới đây, tại Hội nghị chuyên đề hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong môi trường thương mại điện tử và kinh tế số được tổ chức ngày 20/6, ông Trần Hữu Linh -Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường cho biết: Về Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển theo xu hướng tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực, nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế. Vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ... được công khai mua bán trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo hay trên các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đây cũng là các kênh phân phối nhiều mặt hàng không được nhập khẩu chính ngạch, không có hóa đơn chứng từ, hàng hóa giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.
Công tác mua bán ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên Facebook, Zao gặp rất nhiều khó khăn
Đồng thời, do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân ngày càng tăng cao, các đối tượng đã lợi dụng tình hình này để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để thu lợi bất chính với thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động.
Đáng chú ý, việc bùng nổ kinh doanh của các cá nhân thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo trên các ứng dụng thương mại điện tử với nhiều loại hàng hóa khác nhau khiến việc ngăn chặn hàng giả, hàng nhái gặp nhiều rào cản hơn.
Việc quản lý hoạt động kinh doanh thương mại trên các phần mềm này khá phức tạp. Với đặc điểm rất linh hoạt trong việc đăng, gỡ bỏ quảng cáo, chủ hàng hóa hợp tác, giao dịch với nhà phát hành phần mềm thương mại điện tử thông qua Internet và thanh toán điện tử bằng nhiều hình thức nên việc phát hiện, ngăn chặn sai phạm rất khó khăn.
Gần đây một số đối tượng còn áp dụng trà trộn thuê xe chuyên dụng chở thư báo, lợi dụng dịch vụ chuyển phát để vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng chức năng không dễ phát hiện vi phạm.
Ngoài ra, nhiều địa chỉ bán hàng online khai báo thông tin, đăng ký hoạt động kinh doanh không chính xác về nhân thân và địa chỉ, thường xuyên thay đổi địa điểm, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường.
Trước tình hình đó, thời gian tới lực lương chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, nhất là các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực này; tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ trò chơi điện tử, dịch vụ bưu chính chuyển phát, phối hợp xử lý việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử... để góp phần ngăn chặn hàng giả, hàng lậu trên thị trường, bảo vệ sản xuất kinh doanh lành mạnh và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Từ khi triển khai Quyết định số 2981 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phê duyệt Kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử đến nay, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 141 vụ việc, xử lý 78 vụ việc vi phạm, xử phạt 1,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 1,34 tỷ đồng.
Khánh Hòa