Nhờ chăn nuôi gà trang trại, năm 2022, gia đình anh Nghiêm Văn Tân thu lãi 2 tỷ đồng |
Sau nhiều lần chuyển đổi nghề nghiệp nhưng cuộc sống chưa hết khó khăn, anh Nghiêm Văn Tân, 43 tuổi, ở xóm Cọ 1, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) quyết định chuyển hướng đầu tư sang chăn nuôi gà trang trại và trở thành tỷ phú.
Năm 2001, sau tốt nghiệp khóa Trung cấp cơ khí, anh Tân được một công ty ở TP. Hồ Chí Minh tuyển dụng vào làm công nhân. Sau 10 năm đi ca, vào kíp, tiền tích lũy chẳng được là bao, anh bỏ việc, trở về nhà với quyết tâm làm giàu bằng chính nghề mình học.
Ban đầu, để thành thục nghề và thiết lập được thị trường, anh đi làm thuê cho một xưởng cơ khí trong 3 năm, rồi mới chính thức mua đất, dựng xưởng, trực tiếp nhận việc với bà con trong vùng. Xưởng của anh Tân chủ yếu nhận việc dựng khung nhà kẽm, bắn mái tôn cho trang trại chăn nuôi.
Qua chia sẻ với các chủ trang trại, anh nhận thấy mình phù hợp với công việc chăn nuôi gà hơn là làm các nghề phi nông nghiệp.
Từ đó, anh bắt đầu học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi gà từ các trang trại trong xã và lên mạng internet tìm đọc thông tin hướng dẫn chăn nuôi gà an toàn. Khi đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về chăn nuôi gà trang trại, anh Tân bỏ xưởng cơ khí, dồn toàn bộ vốn liếng mua khu đất rộng hơn 5.000m2 ngoài rìa xóm để thực hiện giấc mơ làm giàu.
Anh cho biết: Năm 2017, tôi thuê máy về cải tạo đồi bãi lấy mặt bằng làm trang trại, phần xây thuê thợ, phần cơ khí như cột kèo dùng hộp kẽm, bắn mái tôn đều tự tay tôi làm, giảm được một phần chi phí. Ngay lứa chăn nuôi “đầu tay”, với 1.000 gà con nhập chuồng, khi xuất bán chẳng hao hụt con nào nên thắng lớn.
Với anh Tân, việc chăn nuôi gà trang trại có nhiều thuận lợi. Trước tiên là trang trại nằm xa khu dân cư nên môi trường chăn nuôi luôn được bảo đảm; tiếp đến là có kinh nghiệm và bản thân làm chủ được khoa học kỹ thuật. Về vốn đầu tư, anh được Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay thêm.
Trong thời gian 4 năm đầu, anh duy trì tổng đàn 10.000 con/lứa. Với suy nghĩ vừa làm, vừa tự đúc kết thêm kinh nghiệm, đồng thời tích lũy thêm vốn liếng, từ năm 2021 đến nay, anh Tân đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lên 20.000 con/lứa. Với 5 lứa gà xuất bán/năm, sản lượng của trang trại đạt 40 tấn/năm. Theo đó, doanh thu đạt hơn 12 tỷ đồng/năm, trừ các khoản chi phí như lương người lao động, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh gia cầm và tiền điện… anh còn lãi 2 tỷ đồng/năm.
Hiện trang trại của anh Tân đang tạo việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Anh Trí (bìa trái) giới thiệu sản phẩm từ gà với lãnh đạo xã Mỹ Đức |
Cũng nhờ nuôi gà tại địa phương mà anh Nguyễn Văn Trí 38 tuổi, ở xã Mỹ Đức, H.Phù Mỹ (Bình Định ) đã từng bước làm giàu và trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Xoay trở với cơm áo gạo tiền bằng nghề nuôi dê, mở tiệm tạp hóa, buôn bán thức ăn chăn nuôi… làm tối ngày nhưng vẫn không khấm khá. Năm 2009, vợ chồng anh Trí vay 25 triệu đồng, chuyển sang nuôi 200 con gà. Tuy nhiên, họ gặp thất bại vì thiếu kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi. “Lúc đó, tôi quyết không bỏ cuộc, mình đã sai ở đâu thì cần phải làm lại để khắc phục”, anh Trí kể.
Nhờ tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật chăn nuôi và các loại dịch bệnh mà gà dễ mắc phải, anh Trí đã đi đúng hướng, xây dựng lại chuồng trại đảm bảo thoáng mát vào mùa hè nhưng ấm áp trong mùa đông trở trời nhiều mưa gió.
Nhờ vậy, những lứa gà thịt khỏe mạnh, cho năng suất cao được xuất chuồng đều đặn, đem lại thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ hết các chi phí).
Từ 200 con gà ban đầu, đàn gà của vợ chồng anh giờ đây tăng lên đến 20.000 con. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, anh Trí giảm số lượng xuống còn 8.000 con nhưng vẫn nỗ lực giữ đàn gà.
Nếu trước đây, cơ sở của anh Trí chỉ chuyên về gà giống đơn thuần thì hiện nay chuyển sang gà giống siêu trứng.
Anh Trí chia sẻ: "Nhận thấy gà giống siêu trứng có nhiều tiềm năng, tôi đã đầu tư thêm cho máy móc, dây chuyền nuôi gà khoảng 4 tỉ đồng, với tổng diện tích chuồng trại khoảng hơn 5.000 m2". Hiện anh Trí nuôi hai giống gà chính: gà Mỹ (loại siêu trứng) và gà Ai Cập với trứng màu trắng, nhỏ hơn nhưng lại thơm ngon hơn.
Việc thay đổi giống gà và mục tiêu đầu ra đã giúp trại gà của anh Trí tránh được thua lỗ nhiều do dịch Covid-19, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động, với thu nhập ổn định từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng.
Hành trình khởi nghiệp của anh Trí có thể được xem là bài học đáng giá cho những bạn trẻ muốn bắt đầu với nghề nông, chăn nuôi.