Giá heo hơi hôm nay (23/7), đà giảm chi phối sau ba phiên liên tiếp giá heo rời đỉnh còn 64.000 đồng/kg. |
Giá heo rời đỉnh kỳ vọng chu kỳ giảm kết thúc
Giá heo hơi tuần quan chứng kiến ba phiên giảm liên tiếp. Hiện giá heo hơi đã rời đỉnh chỉ còn 64.000 đồng/kg. Giá heo giảm được cho là do mặt bằng giá heo nước ta cao hơn các nước trong khu vực.
Tại miền Bắc, nơi có giá heo hơi cao nhất cả nước chịu áp lực lớn nên xuất hiện tình trạng giảm giá mạnh trên diện rộng. Trong phiên cuối tuần có đến 6 địa phương cùng điều chỉnh giảm giá 1.000 đồng, riêng Tuyên Quang giảm 2.000 đồng/kg. Giá heo hơi phổ biến với 62.000 đồng/kg, cao nhất 64.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. Như vậy, so với tuần trước, giá trần heo hơi đã giảm tới 3.000 đồng/kg.
Tại miền Trung và Tây nguyên, trong phiên cuối tuần giá heo hơi giảm 2.000 đồng tại Bình Thuận xuống còn 59.000 đồng/kg đồng mức với Đắk Lắk, thấp nhất khu vực. Bên cạnh đó còn ghi nhận giảm 1.000 đồng tại Thanh Hóa, xuống 62.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại ổn định từ 60.000 - 62.000 đồng/kg.
Cũng trong phiên cuối tuần, tại các tỉnh miền Nam, ở vùng chăn nuôi trọng điểm miền Đông xuất hiện giảm giá từ 1.000 - 2.000 đồng ở Bình Phước, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, về mức 59.000 - 60.000 đồng/kg. Thị trường heo hơi miền Tây lặng sóng với giá dao động từ 59.000 - 62.000 đồng/kg.
Như vậy, khép lại phiên cuối tuần sau 3 phiên giảm liên tiếp, giá heo bình quân cả nước bình quân còn 60.800 đồng/kg. Đợt giảm giá vừa qua được cho là do giá heo hơi của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực khiến lượng heo tiểu ngạch về nhiều. Hiện giá heo hơi của Trung Quốc duy trì 45.500 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay (23/7), giảm đồng loạt trong phiên cuối tuần. |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được gần 8.700 tấn thịt và các sản phẩm thịt, thu về 40,64 triệu USD, tăng 39,5% về lượng và tăng 63,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Nước ta xuất khẩu chủ yếu thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác; thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm...
Tính đến tháng 5/2023, nước ta xuất khẩu 2.580 tấn thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm, giá trị đạt 7,11 triệu USD, tăng đột biến hơn 461% về lượng và gần 798% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý về thị trường, thịt và các sản phẩm thịt được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường Hong Kong (Trung Quốc), Bỉ, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Hà Lan...
Đặc biệt, Hong Kong (Trung Quốc) đứng đầu trong các thị trường xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt của nước ta. Xuất khẩu nhóm mặt hàng này sang Hong Kong 5 tháng đầu năm nay đạt 24,33 triệu USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nông hộ dè dặt tái đàn xu hướng chăn nuôi liên kết được khuyến khích
Trong khoảng một tháng qua, giá heo hơi có tăng, có giảm nhưng xu hướng đi lên khá rõ nét và hiện đang dao động từ 58.000 – 66.000 đồng/kg, cao hơn cả chục nghìn đồng/kg so với trước đó. Đây là mức giá người chăn nuôi đã có lợi nhuận sau thời gian dài gồng mình gánh lỗ.
Theo thương lái và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm chăn nuôi, giá heo hơi tăng trở lại do nguồn cung giảm mạnh khi người chăn nuôi giảm đàn hoặc ngừng nuôi sau nhiều tháng dài gồng lỗ.
Tuy ngành chăn nuôi bắt đầu có lợi nhuận khi giá heo hơi đã hình thành mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với những tháng đầu năm nhưng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn e ngại tái đàn. Ngành chăn nuôi tiếp tục dịch chuyển theo xu hướng chăn nuôi nhỏ lẻ bị thu hẹp nhường chỗ cho chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn theo chuỗi khép kín có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Giá heo hơi hôm nay (23/7), người nuôi kỳ vọng chuỗi giảm đã kết thúc để bước vào chu kỳ tăng giá mới. |
Ông Nguyễn Thành Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết, theo thống kê đến hết tháng 6/2023, tổng đàn lợncủa tỉnh trên 194.000 con, đạt 65% so với kế hoạch (kế hoạch năm 2023 là trên 295.000 con).
Trong đó, có 32 trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô bình quân từ 1.000-1.500 con/lứa, với số lượng 35.000 con, chiếm 25% tổng đàn. Riêng chăn nuôi nông hộ, sau khi xảy ra bệnh dịch tả lợn Châu Phi, số hộ nuôi nhỏ lẻ dưới 10 con đã giảm nhiều.
Các trang trại chăn nuôi gia công theo quy trình khép kín, cơ bản đảm bảo an toàn sinh học, có điều kiện về tài chính, nhân lực và được cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến dịch bệnh nên chủ động ứng phó, duy trì tốt hoạt động chăn nuôi, cung ứng 20.000 - 30.000 con heo/tháng cho thị trường trong tỉnh.
Kiên Giang khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, liên kết chuỗi 3F: Feed - Farm - Food. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tổng đàn gia cầm, trâu, bò đạt và vượt kế hoạch, đàn heo đạt khoảng 85 - 90% kế hoạch, tương đương 251.000 - 265.800 con.
Theo ông Đức, đàn lợn của tỉnh tăng trưởng chậm do thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào phục vụ cho chăn nuôi tăng cao. Ngược lại, giá lợn hơi lại giảm sâu, có thời điểm xuống dưới giá thành (chỉ ở mức 52.000 - 55.000 đ/kg heo hơi). Do đó, hoạt động chăn nuôi gặp không ít khó khăn, kể cả việc tái tăng đàn cũng rất thận trọng đối với người chăn nuôi. Người chăn nuôi bị thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay (23/7) đà giảm vẫn chi phối trong phiên cuối tuần. Trong hơn một tháng qua, giá heo hơi có tăng, có giảm nhưng xu hướng đi lên khá rõ nét và hiện đang dao động từ 58.000 – 64.000 đồng/kg, cao hơn cả chục nghìn đồng/kg so với trước đó. Đây là mức giá người chăn nuôi đã có lợi nhuận sau thời gian dài gồng mình gánh lỗ. Tuy nhiên hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa thể tái đàn, trong khi doanh nghiệp chăn nuôi lớn tích cực mở rộng quy mô./.