![]() |
Giá heo hơi hôm nau 21/12 không xuất hiện những biến động mới. Thị trường heo hơi trong nước tiếp tục ảm đạm khi giá heo hơi dần chạm mức 50.000 đồng/kg. |
Giá heo hơi hôm nay bất động
Giá heo hơi hôm nay không ghi nhận những biến động về giá so với hôm qua. Thị trường dường như đang nghe ngóng để chờ đợi những biến động mới vào dịp nghỉ Tết dương lịch và lễ Giáng sinh.
Theo khảo sát, thị trường heo hơi khu vực miền Bắc không ghi nhận biến động về giá. Cụ thể, 54.000 đồng/kg tiếp tục là mức giao dịch cao nhất khu vực, được ghi nhận tại hai tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên.
Trong khi đó, thương lái tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai tiếp tục thu mua heo hơi với giá 51.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực. Tại các tỉnh, thành khác, heo hơi tiếp tục được thu mua với giá trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tiếp tục trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg.
Thị trường heo hơi khu vực miền Trung, Tây Nguyên lặng sóng trên diện rộng. Theo đó, thương lái tại các địa phương bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Ninh Thuận tiếp tục giao dịch ở mức 51.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực.
Cao hơn 1.000 đồng/kg, ở mức 52.000 đồng/kg là giá thu mua được ghi nhận tại các địa phương còn lại. Như vậy, giá heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên duy trì trong khoảng 51.000 - 52.000 đồng/kg.
![]() |
Giá heo hơi hôm nay ở nhiều nơi giảm thấp nhất ở mức 51.000 đồng/kg. |
Tại miền Nam, thị trường heo hơi cũng tiếp tục ổn định. Theo đó, thương lái tại các tỉnh bao gồm Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và Bến Tre tiếp tục giao dịch ở mức 51.000 đồng/kg.
Cùng thời điểm khảo sát, 52.000 - 53.000 đồng/kg là khoảng giá được chứng kiến tại các địa phương còn lại. Giá heo hơi khu vực miền Nam hôm nay duy trì trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Căng mình phòng chống dịch bảo vệ đàn heo
Theo Cục Thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã xảy ra 1.217 ổ dịch tại 53 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 57.914 con heo. Hiện nay, có 45 xã thuộc 27 huyện của 16 tỉnh chưa qua 21 ngày. So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 60%, số heo bị phải tiêu hủy tại các ổ dịch tả heo châu Phi (DTHCP) giảm gần 80%.
Cục Thú y nhận định, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi đó không đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; Việc buôn bán, vận chuyển heo, sản phẩm heo gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm; Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, mưa lớn, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh (đang tồn tại trong môi trường và trên một số đàn vật nuôi) có thể gây bùng phát dịch.
Hiện cả nước có khoảng 23 triệu con heo, 10 triệu con trâu, bò, 515 triệu con gia cầm… phần lớn được nuôi theo hình thức truyền thống, không bảo đảm an toàn sinh học; công tác giám sát, phát hiện, báo cáo và công bố dịch chưa kịp thời; chính quyền ở một số nơi còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin để người dân “bán chạy” động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh.
Mặt khác, nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh vào dịp cuối năm và tết nguyên đán, trong khi đó giết mổ nhỏ lẻ chiếm phần lớn, lại thêm thời tiết diễn biến bất thường tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát sinh và lây lan.
![]() |
Nguy cơ dịch bệnh vẫn đe dọa sự an toàn của đàn heo. |
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất nguy cơ các loại dịch bệnh lây lan, trước khi tái đàn, trang trại cần tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc môi trường ở khu vực trong, ngoài chuồng trại; đồng thời bổ sung các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao để tăng sức đề kháng cho vật nuôi và tiêm phòng vắc xin các loại bệnh, như: Lở mồm long móng, tai xanh... theo quy định.
Bên cạnh đó, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương cùng với việc bảo đảm vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, cần tập trung tổ chức tiêm phòng đúng thời điểm nhằm tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y…, qua đó ngăn chặn kịp thời các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Giá heo hơi tại Trung Quốc cũng lao dốc
Tại Trung Quốc, giá lợn hơi và thịt lợn tại Trung Quốc có xu hướng giảm liên tục trong mấy phiên gần đây, nhưng vẫn đứng ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung sụt giảm do người dân găm hàng và lượng tồn kho thấp.
Theo đó, giá lợn hơi tại Trung Quốc mấy ngày qua giảm mạnh, chỉ còn đứng ở mức 64.600 đồng/kg. Mức này thấp hơn nhiều so với mức 76.600 đồng/kg của ngày 9/12, giảm mạnh so với mức 79.800 đồng/kg của ngày 8/12. Trước đó, giá lợn Trung Quốc liên tục đứng ở mức hơn 80.000 đồng/kg.
![]() |
Thị trường thịt heo tiêu thụ chậm khiến giá heo hơi neo ở mức thấp sát mức 50.000 đồng/kg. |
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), để duy trì nguồn cung và ổn định giá, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành 7 lần “mở kho” dự trữ thịt lợn để cung cấp cho thị trường, đồng thời kêu gọi chính quyền các địa phương tăng cường mở kho dự trữ thịt lợn của địa phương. Trong tương lai, nguồn cung thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trên thị trường và giá thịt lợn dự kiến sẽ tương đối ổn định.
Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo, giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng trở lại ở mức cao vào đầu năm 2023 do nguồn cung thấp hơn, mặc dù họ cảnh báo nhu cầu có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phòng chống Covid-19 của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cho rằng, việc người chăn nuôi lùi thời gian giết mổ lợn để vỗ béo chúng nhiều hơn là nguyên nhân dẫn đến sự leo thang của giá lợn, nhưng các nhà phân tích cho rằng nguồn cung thịt lợn của Trung Quốc đã giảm đáng kể từ mùa Đông năm 2021.
Giá heo hơi hôm nay 21/12 ít biến động so với hôm qua. Những đợt biến động thời gian quan kéo giá heo chạm mức 50.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi lỗ nặng. Mặt khác, dịch bệnh dịp cuối năm vẫn còn diễn biến phức tạp, người chăn nuôi đang gồng mình phòng chống để bảo vệ đàn heo. Một diễn biến khác, giá heo hơi tại Trung Quốc cũng giảm mạnh thời gian qua, khiến cơ hội xuất khẩu heo hơi sang thị trường này sẽ càng khó khăn hơn./.