Phủ Dầy - Nơi thờ thánh mẫu Liễu Hạnh
Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong những vị Thánh quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Thiên, hoặc ở nhiều nơi gọi ngắn gọn là Mẫu Liễu.
Theo truyền thuyết trong dân gian Việt Nam, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”, “Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương” và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ Tát.
Bà chính là vị Thánh Mẫu đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu. Hầu hết các làng xã và đô thị ở nước ta đều có đền, chùa, phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh rất tôn nghiêm. Trong đó, di tích Phủ Dầy từ lâu đã được coi là trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt.
Căn cứ vào sử sách và các công trình nghiên cứu khoa học cùng truyền thuyết dân gian về sự tích của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, di tích Phủ Dầy được xây dựng trên mảnh đất quê hương nơi Mẫu giáng sinh lần thứ hai. Phủ Dầy có lịch sử xây dựng sớm nhất vào thời Hậu Lê, niên hiệu Dương Hoà (1642) và Cảnh Trị (1663-1671).
Năm 1975, Phủ Dầy (gồm “Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Liễu Hạnh và một số di tích khác”) đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia.
Đến năm 2021, Phủ Dầy được xếp hạng Di tích quốc gia theo văn bản số 488/QĐ - BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện ký vào ngày 28/1/2021. Tại văn bản này, quần thể di tích Phủ Dầy được giới hạn còn Phủ Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu Liễu Hạnh.
Phủ Dầy được xem là trung tâm của tín ngưỡng Thờ Mẫu (Tam Phủ, Tứ Phủ) tại Việt Nam, mang đậm giá trị tâm linh và văn hóa khi gắn liền với đời sống của số lượng không nhỏ người Việt. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định công nhận nghi lễ chầu văn - hầu đồng ở tỉnh Nam Định và Hà Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Du xuân Phủ Dầy
Hàng năm, vào tháng Giêng, không khí tại khu vực quần thể di tích Phủ Dầy trở nên sôi động và tràn ngập sắc xuân khi những khách thập phương hành hương về đây. Du khách về với Phủ Dầy để tận tay dâng nén hương lên Mẫu, vừa thể hiện sự tôn kính Mẫu Liễu, vừa để xin lộc đầu năm, cầu cho năm mới bình an, tài lộc.
UBND huyện Vụ Bản đã lên kế hoạch triển khai nhiều hoạt động đảm bảo an ninh trật tự để tránh xảy ra các hiện tượng như trộm cắp, cháy nổ, lừa đảo, vi phạm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Về phía các đền, phủ thuộc quần thể di tích Phủ Dầy, các thủ nhang thuộc các đền, phủ cũng được yêu cầu kí cam kết đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, chấp hành nghiêm chỉnh về nội quy khu vực chợ để tránh xảy ra mất an toàn. Bên cạnh đó các hoạt động tuần tra kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp, cưỡng, cướp giật, trộm cắp tài sản của du khách cũng được tăng cường trong thời gian diễn ra hội chợ.
Chia sẻ về công tác đảm bảo an ninh trật tự để đón du khách thập phương về với Phủ Chính - Phủ Dầy, cô Trần Thị Kim Huệ - thủ nhang Phủ Chính cho biết: “Phủ đã chuẩn bị theo các kế hoạch do UBND Huyện Vụ Bản đề ra, đồng thời chủ động thực hiện các công tác đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực nội tự của Phủ, như lắp camera tại nhiều điểm để tiện theo dõi, phát hiện các hành vi vi phạm hoặc hành vi gây rối loạn, đồng thời luôn theo dõi nhắc nhở khách thập phương đến lễ về nạn trộm cắp hoặc các hành vi gây mất an ninh khác. Hoạt động phòng chống cháy nổ cũng được Phủ quan tâm và sát sao để tránh các hoạt động nhang đèn, đốt sớ diễn sinh ra cháy nổ”.