Ở Việt Nam, Sâm Ngọc Linh được tìm thấy tại vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và 2 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Trong đó, tỉnh Quảng Nam có diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh đã được xác định hơn 10.000 ha và tỉnh Kon Tum đã có khoảng 1.749 ha sâm Ngọc Linh.
![]() |
Sâm Ngọc Linh được tìm thấy ở hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam |
Cây sâm Ngọc Linh được biết đến với giá trị dược liệu đặc biệt. Giống cây này còn được hai tỉnh (tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Nam) xác định là cây trồng chủ lực và đang tạo ra làn sóng mạnh mẽ thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, ngoài việc mở rộng diện tích trồng, nhiều địa phương đã tổ chức khai thác du lịch cộng đồng dưới góc độ khám phá tiềm năng về văn hoá, lợi thế về rừng, sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu cùng hệ sinh thái thiên nhiên của vùng cao.
Với sản phẩm du lịch “độc nhất vô nhị” là du lịch tham quan vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới này mà người dân nơi đây đã bán được sâm với giá cao, còn du khách được tham quan nơi trồng sâm, tận tay mua đúng sâm thật.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, Giám đốc Công ty du lịch Ngọc Linh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện tour du lịch lên Tu Mơ Rông tham quan vườn sâm được 2 năm và có trải nghiệm khá thú vị. Tuy nhiên, mô hình du lịch này cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể, đường xá đi lên thăm vườn sâm Ngọc Linh còn rất xấu, khó khăn cho việc đi lại, địa phương cần lưu tâm đến vấn đề này. Ngoài ra, khi đến vườn sâm dịch vụ ăn uống, tham quan, trải nghiệm cuộc sống văn hóa nơi đây còn hạn chế. Về vấn đề này, huyện cần xây dựng mô hình chuẩn, nâng cấp các dịch vụ đồng thời tập trung phát triển những sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
![]() |
Trước tình hình chung sau dịch Covid-19, hiện nay nhu cầu thị trường đã có rất nhiều thay đổi và cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát kinh tế và chính sách phòng, chống dịch Covid-19 ở các nước, lượng khách quốc tế chưa trở lại bình thường.
Cùng với đó, khách du lịch nội địa cũng thắt chặt chi tiêu sau một thời gian dài dịch bệnh. Vì vậy, khách du lịch có xu hướng không đi theo đoàn đông mà đi cá nhân, nhóm gia đình, bằng phương tiện riêng, thích trải nghiệm, khám phá văn hóa và đến những miền quê gần gũi với thiên nhiên; quan tâm đến những dịch vụ, sản phẩm du lịch an toàn, chăm sóc sức khỏe...
Bà Lại Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Các địa phương cần xần xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch áp dụng với nhiều thị trường và các phân khúc thị trường khác nhau hoặc xây dựng các sản phẩm chuyên biệt, chuyên đề. Trong đó, xây dựng các tour tham quan cuối tuần, trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch nông nghiệp gắn với vùng trồng sâm và cây dược liệu, du lịch cộng đồng...”