Để có vườn hồng đẹp, theo anh Trinh, đầu tiên phải có đam mê và tình yêu. |
Người sở hữu vườn hồng độc đáo với 100 gốc trên sân thượng là anh Trường Trinh (40 tuổi, ở quận 5, TP.HCM). Anh Trinh đến với thú chơi hoa hồng từ việc phải giãn cách covid-19 nên kiếm mấy chậu hoa về chăm cho khuây khỏa. Ban đầu anh trồng bốn cây hoa hồng tezza cam cá hồi, vàng, hồng và đỏ trên sân thượng gần 50 m2 của gia đình.
Thế rồi tình yêu hoa hồng cứ ngấm dần, số lượng cây hoa cũng tăng lên. Đó là lúc anh nhận ra để chăm sóc cả vườn hồng không đơn giản. Nhất là trong điều kiện thời tiết thất thường phải làm sao để mỗi cây hoa được khoe sắc theo ý muốn.
Ban đầu, bốn cây hoa sân thượng không làm khó người đàn ông đang nhàn rỗi. Nhưng khi vườn tăng số lượng lên hơn 100 cây, anh bắt đầu nhìn thấy thách thức. "Mùa mưa, tôi thay hết chậu cây, không có kinh nghiệm nên để úng rễ, chết gần hết vườn", anh kể.
Khi vườn tăng số lượng lên hơn 100 cây, anh bắt đầu nhìn thấy thách thức và dày công tìm hiểu kỹ thuật. |
Anh nhờ các nhà vườn ở Đà Lạt hướng dẫn rồi chọn lại cách làm để phù hợp với khí hậu TP HCM, thời gian và tài chính khi trở lại với công việc chính. Chủ vườn mua giá thể trộn sẵn, loại dành riêng cho hoa hồng, chỉ có xơ dừa, đá, phân, rêu rừng và mụn dừa... Giá thể không có đất thịt nên thoát nước và giữ ẩm tốt.
Anh tận dụng hai bên thành sân thượng làm giá treo trồng hồng. "Lối đi trên sân thượng rợp hoa, thơm dịu mùi hồng, như bước vào một thế giới khác", anh nói.
Anh nhờ các nhà vườn ở Đà Lạt hướng dẫn rồi chọn lại cách làm để phù hợp với khí hậu TP HCM. |
TP HCM chỉ có hai mùa khô và mùa mưa. Vào mùa nóng, anh pha đạm cá với dịch trùn quế tưới gốc, vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa cấp ẩm cho hồng. Mùa mưa anh không tưới phân nước vì sợ bị rửa trôi mà bón phân gà, bò, dơi dạng viên nén tan chậm. Anh trộn ba loại làm một, cách 20 ngày bón gốc một lần, kích rễ. Nửa tháng, chủ vườn tưới trichoderma phòng nấm rễ. Mỗi tuần, phun phân dưỡng lá một lần.
Để mỗi cánh hoa mong manh kia giữ được hương sắc thì việc phòng bệnh cho cây cũng rất quan trọng. Vậy là anh lại dày công tìm hiểu. Và anh phát hiện: Muốn phòng bệnh, một tuần phải phun neem oil một lần, tuần sau đổi thuốc sinh học khác để tránh sâu bọ kháng thuốc. Mùa mưa, anh trộn dung dịch phòng nấm với thuốc dưỡng lá một lần.
"Mùa nóng tôi tưới nước buổi sáng lúc 6h, chiều lúc 17h. Tháng mưa thì thì chỉ tưới một lần, trời mưa thì khỏi tưới", anh nói. Hoa trong vườn nhờ vậy mướt cả bộ lá, chi chít nụ hoa.
Anh tận dụng hai bên thành sân thượng làm giá treo trồng hồng. |
Để có vườn hồng đẹp, theo anh Trinh, đầu tiên phải có đam mê và tình yêu. Về kỹ thuật, nên chọn giá thể thoát nước tốt, chọn chậu không quá sâu, chọn hồng phù hợp với khí hậu nơi mình trồng, phun phòng bệnh đúng chu kỳ, bón phân đúng giai đoạn của cây và tưới nước đúng thời điểm, đúng cách.
Trong ảnh đều là các giống hồng ngoại Carey, Amber queen, Lafont được anh mua từ các nhà vườn. Hiện tại vườn có hơn 100 cây, gần như mỗi cây một loại. "Tôi thích nhất hoa Lafont vì nó khỏe, hoa không bị mất dáng khi ở xứ nóng, rất thơm, lá bóng, lại dễ chăm sóc", anh Trinh nói và cho biết đây là cây được trồng nhiều nhất trên vườn.
Muốn phòng bệnh, một tuần chủ vườn phun neem oil một lần, tuần sau đổi thuốc sinh học khác để tránh sâu bọ kháng thuốc. |
Từ chỗ chỉ tìm đến hoa hồng lúc rỗi rãi, tới giờ anh Trinh thừa nhận đã "nghiện" loài hoa biểu tượng của tình yêu này. Theo anh Trinh, cảm xúc với hoa hồng không chỉ là được ngắm những bông hoa hương sắc mà việc chăm bẵm, thuần dưỡng để cây hoa sinh sôi, nảy nở rồi kết nụ, đơn hoa là một trải nghiệm tuyệt với. Mỗi bông hoa nở là một niềm vui được nhân lên. Từ hoa hồng anh đã có thêm những người ban có chung đam mê và chia sẻ giao lưu với nhua về thế giới hoa hồng./.