Nước quan trọng với cơ thể thế nào?
Nước ở khắp nơi trên thế giới và trong mỗi tế bào của chúng ta. Tùy thuộc vào các yếu tố như nơi sống, chỉ số chất béo trong cơ thể, độ tuổi và giới tính, trung bình một người chứa 55 tới 60% là nước. Khi chào đời, trẻ sơ sinh có tới 75% là nước. Lượng nước này giảm còn 65% trước năm một tuổi. Vậy nước có vai trò gì trong cơ thể và chúng ta thực sự cần uống bao nhiêu nước?
Nước trong cơ thể giúp tạo lớp đệm và bôi trơn các khớp, điều hòa nhiệt độ, nuôi dưỡng não và tủy sống. Nước không chỉ ở trong máu. Não và tim người trưởng thành có ¾ là nước. Mức này gần bằng lượng nước trong một quả chuối. Phổi thì giống quả táo hơn, với 83% là nước. Ngay cả bộ phận khô như xương cũng chứa tới 31% là nước.
Nếu cơ thể chúng ta về cơ bản được tạo thành từ nước và bao quanh bởi nước, tại sao ta vẫn cần uống nhiều nước tới vậy?
Tại sao chúng ta cần uống đủ nước?
Mỗi ngày chúng ta mất 2-3 lít nước qua mồ hôi, đi tiêu và đi tiểu hay chỉ là thở. Bởi các chức năng này cần thiết cho hoạt động sống, chúng ta cần bù vào lượng chất lỏng bị mất. Cần duy trì mức nước cân bằng để tránh mất nước, hay ngộ độc nước - cả hai đều ảnh hưởng tệ tới sức khỏe tổng thể.
Khi phát hiện mức nước thấp, thụ thể cảm giác ở vùng não vốn điều khiển thân nhiệt và cảm giác đói, khát… sẽ gửi tín hiệu giải phóng hormone chống lợi tiểu, và khi tới thận, nó tạo ra các aquaporin - một kênh đặc biệt cho phép ưu tiên hấp thụ và giữ lại máu hơn là nước, dẫn tới nước tiểu đậm màu và đặc.
Bị mất nước nhiều hơn có thể dẫn tới giảm đáng kể mức năng lượng, tâm trạng, độ ẩm của da và huyết áp cũng như có dấu hiệu suy giảm nhận thức. Một bộ não thiếu nước sẽ phải làm việc vất vả hơn để hoàn thành cùng một khối lượng công việc so với não khi bình thường, và nó thậm chí còn co lại tạm thời vì thiếu nước.
Ngộ độc nước, hay còn gọi là nhiễm độc nước, là sự gián đoạn chức năng não do uống quá nhiều nước trong khoảng thời gian ngắn. Các vận động viên thường là nạn nhân của tình trạng này bởi biến chứng của việc điều chỉnh mức nước trong những điều kiện thể chất khắc nghiệt. Não thừa nước sẽ chậm chạp, thậm chí ngừng việc giải phóng chất này vào máu. Chất điện giải trong cơ thể bị hòa loãng, khiến các tế bào sưng lên.
Trong trường hợp nghiêm trọng, thận không thải kịp, tình trạng nhiễm độc nước sẽ xảy ra, có thể gây đau đầu, nôn và một số trường hợp hiếm gặp còn dẫn tới hôn mê, thậm chí tử vong. Nhưng đó chỉ là trong các tình huống nghiêm trọng. Trong cuộc sống thường nhật, không khó để duy trì cho cơ thể đủ nước khi chúng ta may mắn có nguồn nước sạch.
Uống bao nhiêu nước là đủ?
Lâu nay, chúng ta hay nghe lời khuyên, cần uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày. Thực tế, lượng nước chúng ta cần uống tùy thuộc vào cân nặng và môi trường sống. Lượng khuyên dùng hằng ngày là khoảng 2,5-3,7 lít cho nam và 2-2,7 lít cho nữ, nhiều hay ít tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, mức độ hoạt động, độ tuổi hay mức nhiệt.
Ngoài nước, những chất lỏng khác, kể cả chứa cafein như cà phê, trà cũng cung cấp nước tốt. Nước trong các thực phẩm cũng chiếm ⅕ lượng nước bạn nạp hằng ngày. Trái cây và rau như dâu, dưa chuột và súp lơ thậm chí còn chứa tới 90% nước, vừa cấp nước vừa mang tới cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ.
Uống nước đầy đủ cũng mang lại nhiều lợi ích về lâu dài: Nghiên cứu cho thấy cung cấp nước tốt có thể giảm nguy cơ đột quỵ, giúp kiểm soát tiểu đường và có tiềm năng giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư nhất định. Dù sao đi nữa, uống đủ chất lỏng có thể tạo ra nhiều thay đổi về cách bạn suy nghĩ, cảm nhận, thực hiện các chức năng mỗi ngày.
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không uống đủ nước mỗi ngày?
Thận hoạt động kém
Uống nhiều nước tạo điều kiện để thận thực hiện chức năng của mình đó là thải loại độc tố, urê và muối ra khỏi cơ thể. Do vậy, thiếu nước đồng nghĩa với sự suy giảm chức năng thận, cũng là lý do gây ra một số vấn đề sức khỏe như sỏi thận.
Tiến sĩ Joseph N. Chorley thuộc Bệnh viện Nhi Đồng Texas còn cho biết rằng: "Khi cơ thể bị mất nước, máu thay vì chảy về ruột và thận sẽ chuyển hướng một phần sang tim và não. Từ đó khiến thận không đủ oxy lẫn dinh dưỡng để hoạt động nên dễ bị hư tổn hơn".
Theo một nghiên cứu, khả năng mắc ung thư bàng quang và đại tràng ở người uống ít nước cao hơn rất nhiều so với người uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Điều này có thể bắt nguồn từ việc thận và đại tràng không được "rửa sạch" thường xuyên và tạo điều kiện cho các tế bào ung thư phát triển.
Làm rối loạn chức năng đường ruột, táo bón
Một nguyên nhân chính của tiêu hóa kém là do bạn uống nước quá ít. Bởi lúc này, dạ dày không đủ nước để tiêu hóa thức ăn nên dễ gây viêm loét và trào ngược axit. Các nghiên cứu cho thấy nước có thể cân bằng độ pH cho dạ dày và làm giảm các triệu chứng trào ngược axit hiệu quả.
Ngoài ra, thiếu nước còn gây táo bón bởi nước là chất giúp thực phẩm di chuyển qua ruột dễ dàng hơn. Nếu cơ thể bị mất nước, ruột già sẽ tận dụng bất cứ lượng nước nào có thể lấy từ thực phẩm đi qua ruột, từ đó làm nó trở nên quá khô và gây ra táo bón.
Mệt mỏi, đau đầu
Thiếu nước làm chậm mọi hoạt động của các cơ quan nên dễ khiến bạn thấy buồn ngủ và mệt mỏi hơn. Ngoài ra, thiếu nước còn gây ra tình trạng nhức đầu dai dẳng. Bởi khi cơ thể mất nước sẽ khiến các mô não co lại, dẫn đến các cơn đau đầu. Ngoài ra, khi mất nước, lượng oxy lên não không đủ cũng là nguyên nhân khiến bạn đau đầu nhiều hơn.
Mất tập trung
Não bộ được cấu tạo từ 80% là nước, do đó, khả năng và chức năng của bộ não phụ thuộc vào nước rất nhiều. Ngay cả mất nước nhẹ cũng làm suy yếu khả năng của não, gây khó khăn cho khả năng suy nghĩ. Một nghiên cứu trên tạp chí Nutrients cho thấy uống nước có thể ngăn ngừa mất trí nhớ và ngăn chặn suy giảm sự chú ý.
Giảm chức năng sinh lý
Nam giới không uống đủ nước cũng giống như cây thiếu nước, sẽ bị “xìu”. Ở trạng thái mất nước, cơ thể sản xuất một lượng angiotensin lớn hơn, một loại hoóc môn thường thấy ở những người đàn ông gặp khó khăn trong việc đạt được sự cương cứng ổn định.
Hơi thở hôi
Nước bọt có đặc tính chống vi khuẩn và là một chất khử trùng tự nhiên. Tuy nhiên, nếu bạn không có đủ chất lỏng cho cơ thể hoạt động thì cơ thể sẽ không sản xuất đủ nước bọt. Điều đó có thể dẫn đến rất nhiều vi khuẩn phát triển trong miệng và gây ra mùi hôi khó chịu.
Cholesterol cao
Việc mất nước làm tăng nồng độ lipid trong máu. Lâu ngày, các lipid này lắng đọng trong các thành mạch gây cản trở quá trình tuần hoàn máu. Từ đó, máu không được vận chuyển đầy đủ về các cơ quan, đặc biệt là tim nên dễ gây ra các vấn đề về tim mạch cũng như các vấn đề nguy hiểm khác cho sức khỏe.
Làm da xấu đi
Khi cơ thể bị mất nước sẽ làm chậm lưu thông máu khiến da không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cần thiết. Lúc này, da sẽ dễ bị khô, nhợt nhạt, khả năng phục hồi và tái tạo cũng chậm hơn. Từ đó, da rất dễ bị lão hóa và xuất hiện nếp nhăn.