Mọi giá trị, hành vi ứng xử trong xã hội đều sẽ thay đổi theo xu hướng tất yếu để phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Đại dịch Covid-19 diễn biến ngày cành phức tạp trên toàn cầu. Các siêu cường quốc như Mỹ, Italia, Tây Ban Nha... cũng đang cần sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế. Trong cuộc họp báo ở thành phố Albany ngày 03/04, Thống đốc bang NewYork, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi sự giúp đỡ khi con số những người mắc Covid-19 và những người tử vong tăng lên chóng mặt “Hãy giúp đỡ NewYork”- thông điệp được phát đi, nước Nga đã hành động ngay lập tức bằng cách cử nhiều máy bay vận tải chở đồ y tế đến NewYork.
Hàng Việt Nam hỗ trợ Trung Quốc trong đợt phòng chống dịch Covid-19
Trong những ngày đầu khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, đầu tháng 2/2020 Việt Nam đã có những chuyến hàng trang thiết bị y tế gồm: Khẩu trang, máy thở, quần áo…để hỗ trợ người dân Trung Quốc đang khó khăn dịch bệnh. Những ngày tiếp theo Chính phủ và nhân dân Việt Nam tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn trong nước nhưng đã có rất nhiều hành động thiết thực để giúp đỡ nhân dân các nước láng giềng Lào, Campuchia vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Dù có thể chưa phải là nhiều so với nhu cầu hiện nay của Lào, Campuchia nhưng đây là những gì tốt nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể thu xếp trong bối cảnh Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn về các trang thiết bị, vật tư y tế để phòng, chống dịch bệnh; hi vọng sự giúp đỡ sẽ góp phần động viên, giúp đỡ nhân dân Lào và Campuchia anh em vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cán bộ chiến sĩ biên phòng Việt Nam trao quà cho biên phòng Trung Quốc
Mặc dù, nước ta đang trong cao điểm chống dịch. Cả nước chung tay nhắn tin ủng hộ, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân không ngại chi ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để giúp đỡ Chính phủ có thêm nguồn kinh phí chống dịch. Bằng phương châm “ lá lành đùm lá rách” Việt Nam đã huy động sự sẻ chia, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua và chiến thắng dịch bệnh.
Chính phủ Việt Nam hỗ trợ Lào, Campuchia trong đợt dịch Covid-19. ảnh Bộ Ngoại giao
Khi dịch bệnh lan rộng trên toàn thế giới, Chính phủ Việt Nam dang rộng vòng tay đón những người Việt từ khắp nơi trên thế giới trở về. Sắp xếp máy bay, phương tiện đưa đón, thu xếp nơi ăn chốn cho những người bị cách ly. Tất cả những dịch vụ, chi phí liên quan đến dịch như: Ăn uống trong thời kỳ cách ly tập trung, xét nghiệm và cả điều trị bệnh đều được nhà nước chi trả hoàn toàn.
Không chỉ dừng ở đó, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra được Chính phủ xem xét, thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau Chính phủ đang cố gắng làm hết mình để bảo vệ sức khoẻ, đời sống của nhân dân.
Ngân hàng tìm cách hạ lãi suất, cho vay không lợi nhuận, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Doanh nghiệp Việt dù cũng gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bệnh tràn về nhưng vẫn dành một phần lợi nhuận để hỗ trợ Chính phủ chống dịch. Tính đến ngày 26/3/2020 UBMT Tổ Quốc Việt Nam đã tiếp nhận số tiền hỗ trợ lên đến 500 tỷ đồng từ doanh nghiệp hàng đầu như Vin Group, Toyota Việt Nam hay các cơ sở sản xuất khẩu trang nhỏ lẻ. Các cá nhân không có tiền thì góp công, góp sức như trường hợp Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Quýt ở tuổi 95 với công sức của mình đã may hàng trăm khẩu trang để phát cho người nghèo tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.
Các tiếp viên trên chuyên bay đón Kiều bào từ Ukraina về nước
Bên cạnh đó, có những tỉ phú sẵn sàng chi ra hàng trăm tỉ đồng để thuê máy bay đón Kiều bào Việt Nam trở về nước. Có những hãng hàng không và đội ngũ phi hành đoàn sẵn sàng bay vào vùng dịch bệnh nguy hiểm để đón đồng bào dù biết sau đó sẽ bị cách ly với gia đình và xã hội. Trong khó khăn, dịch bệnh càng chứng minh chủ trương của Đảng, Nhà nước về kiều bào, người Việt Nam ở xa tổ quốc là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt là nhất quán, xuyên suốt.
Một xã hội bao giờ cũng có người tốt, kẻ xấu, kẻ trục lợi trong khó khăn nhưng cũng có những người không tiếc tiền hay công sức để làm thiện nguyện.
Phút nghỉ ngơi sau mỗi chuyến đi tuần biên giới của các chiến sĩ biên phòng. Ảnh internet
Những cán bộ chiến sĩ biên phòng nơi tuyến đầu Tổ quốc chia cơm sẻ áo, nhường nơi ăn chốn ở cho người dân cách ly. Dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng, cửa khẩu đóng, những người lính ngày đêm canh gác các đường mòn, lối mở ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp. Viêc ngăn chặn, kiểm soát người nhập cư bất hợp pháp cũng là ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh vì các ca nhiễm bệnh của Việt Nam từ trước tới nay chủ yếu là do các ca xâm nhập. Những lán trại được lập lên, giữ núi đồi, ban ngày thì nóng, ban đêm thì giá rét, côn trùng. Mưa dột ướt chỗ nằm nhưng họ vẫn không rời vị trí chung súc cùng toàn dân chống "giặc" Covid-19.
Một chốt chặn tại lối mở của đồn biên phòng Lý Vạn, Cao Bằng.
Gặp gỡ chúng tôi, đội trưởng của đồn Lý Vạn, Cao Bằng chia sẻ: “năm nay e trực Tết nên không về, ra Tết thì dịch bùng phát anh em dồn toàn lực trực chốt vì thế 6 tháng nay e chưa được về nhà”. Trạm trưởng trạm biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, Cao Bằng nói: “ từ Tết đến giờ em xuống 6 kg, ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng nên mắt đỏ hoe lúc nào cũng thèm ngủ nhưng công việc cần nên chúng em vẫn sẵn sàng 24/24…”. Khi chia tay các anh bộ đội Cụ Hồ nơi biên cương tổ. quốc chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh chịu đựng khó khăn gian khổ của tiền tuyến để cho hậu phương hạnh phúc, bình yên.
Phát nước uống cho người dân tại sân bay Tân Sơn Nhất. Nguồn Thanh niên
Dịch bùng phát không điểm nào nóng bằng bệnh viện, nơi tiếp nhận những ca dương tính với Covid-19, nơi các y bác sĩ bất chấp nguy hiểm ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân. Nhiều bác sĩ, y tá, điều dưỡng sẵn sàng cách ly tại bệnh viện, làm việc thay cho sức lực của 2.3 người. Họ sẵn sàng biến ghế tựa thành giường, mảnh áo mưa làm chiếu chợp mắt. Mỗi bệnh nhân được điều trị khi khỏi ra viện niềm vui của họ như được nhân lên. Bởi mọi sự nỗ lực của các “chiến sĩ áo trắng” đã được đền đáp bằng sự hạnh phúc của người bệnh.
Niềm vui sau mỗi bệnh nhân điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Nguồn Thanh niên.
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai, người dân ở trong nhà, hạn chế ra khỏi nhà trừ trường hợp cần thiết, không tụ tập đông người…thực hiện gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành. Thành phố đông đúc như Thủ đô Hà Nội cũng chỉ còn thưa thớt người tham gia giao thông. Không còn cảnh quán nhậu tụ tập sau mỗi giờ tan tầm, cảnh tắc đường nơi ngã tư đường phố…Người với người cố gắng giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với nhau. Người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình và người thân cũng là bảo vệ cho từng tế bào của xã hội khỏe mạnh có như thế "cơ thể" mới khoẻ mạnh, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi.
Người dân nghiêm túc thực hiện chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh Minh Tuấn
Covid-19 xuất hiện ảnh hưởng đến từng cá nhân, từng gia đình và xã hội nhưng nó cũng đem lại cho chúng ta những cảm nhận chia sẻ trong gia đình, các thành viên quan tâm đến nhau hơn, tự chăm sóc bản thân hơn... Những giá trị đó trước đây trong cuộc sống tất bật, công việc bộn bề chúng ta không dễ gì được nhận.
Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn…”. Trong mỗi giai đoạn hoàn cảnh thì tình yêu nước ấy lại được thể hiện khác nhau. Trong cuộc chiến chống giặc dịch Covid-19, toàn Đảng, toàn Quân, toàn Dân đang một lòng chung sức vượt qua mọi khó khăn từ kinh tế đến đời sống xã hội quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.
Linh Hương
(Theo HH&TH)