Xuất nhập khẩu chính thức vượt mốc 600 tỷ USD Xu hướng xanh hóa ngành dệt may là tất yếu Dệt may tiếp tục là ngành hàng xuất khẩu chủ lực |
Dệt may có đơn hàng đến quý 3/2025. |
Những tín hiệu tích cực cho ngành Dệt may
Ngày 19/9 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất 0,5% đưa mức điều hành về 4,75 - 5% sau hơn 3 năm và có khả năng Fed sẽ giảm tiếp 0,5% trong 2 kỳ họp còn lại trong năm 2024, 1% trong năm 2025 và 0,5% năm 2026 để giữ lãi suất quanh 3% trong những năm tiếp theo.
Với đà cắt giảm này, Fed kỳ vọng vào việc hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ (lạm phát về mức mục tiêu mà không suy thoái). Tâm lý tiêu dùng của người dân Mỹ tích cực hơn do chi phí vay thấp hơn, giảm tác động của lãi suất thẻ tín dụng, cũng như thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế.
Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt kỷ lục 4,66 tỷ USD trong tháng 8.2024, trong đó đi Mỹ đạt 1,9 tỷ USD cũng là mức kỷ lục theo tháng từ trước tới nay.
Dự kiến, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội. Nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt. Với các yếu tố thuận lợi như vậy, ngành Dệt may Việt Nam đứng trước các cơ hội lớn về thị trường và khẳng định tiếp tục là một điểm đến sáng trên bản đồ dệt may thế giới.
Về phía EU, lạm phát đang có xu hướng giảm. Sắp tới, châu Âu là “vùng mờ” về khả năng phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ trong trung hạn. Còn với Nhật Bản, nước này cũng đang thay đổi tiếp cận chính sách, chấp nhận lạm phát, mất giá đồng Yên để đạt được tăng trưởng kinh tế. Những yếu tố này khiến nhu cầu tiêu dùng tại 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam được cải thiện trong thời gian sắp tới.
Cùng với đó, trên góc độ cạnh tranh quốc gia, do các yếu tố bất ổn về chính trị, bất cập về chính sách ở các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Myanmar và Bangladesh đã giúp các doanh nghiệp dệt may của chúng ta đón nhận các đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia này. Nhiều doanh nghiệp may đang có các đơn hàng hết quý 2, thậm chí quý 3/2025.
Lo thiếu nhân lực và đáp ứng các yêu cầu mới
Các doanh nghiệp may gặp khó trong tuyển dụng lao động. |
Ông Lương Văn Thư, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Đáp Cầu, cho biết, công ty đã đủ đơn hàng cho hết năm 2024 và có đơn hàng cho những tháng đầu năm 2025. Công ty đang đàm phán những đơn hàng quan trọng cho quý 1/2025 để chốt trong những ngày tới.
Theo ông Thư, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty cải thiện rất nhiều so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng đơn hàng tăng nhưng DN cũng gặp nhiều vấn đề cần giải quyết như: tuyển dụng lao động khó khăn, chi phí đầu vào tăng, khó đáp ứng các tiêu chí về xanh hoá.
“Công ty hoạt động ở Bắc Ninh, thủ phủ của nhiều doanh nghiệp ngành điện tử nên dù đang trả lương bình quân hơn 9 triệu đồng/tháng, tính cả lương thưởng là hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ. Trước đây, khi ít đơn hàng, nhiều công nhân đã chuyển sang làm cho các DN điện tử. Giờ họ đã ổn định và chỉ còn thời gian ngắn nữa đến Tết nên họ sẽ không quay lại. Sau Tết mới có hy vọng tuyển được nhiều công nhân. Hiện tại tuyển dụng nhân công rất khó”, ông Thư cho hay.
Ông Bạch Hồng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết, Tổng công ty đã có đơn hàng dệt may đến hết năm 2024. Các đơn hàng đang gia tăng do xu thế chuyển dịch đơn hàng. Hiện Tổng công ty cũng chỉ nhận đơn hàng mới ở mức độ nhất định vì các nhà máy hầu như đã kín lịch sản xuất đến hết năm.
Tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải 2024, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas đánh giá, mặc dù đang đứng trước cơ hội lớn, song ngành dệt may Việt Nam cũng đồng thời chịu không ít thách thức trong chiến lược phát triển toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn cao hơn từ nhà mua hàng EU, Mỹ…, cũng như xu thế tất yếu phải phát triển xanh, bền vững, số hoá trong ngành đòi hỏi doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ để thích ứng.
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương nhận xét, doanh nghiệp dệt may đang đối mặt với thách thức liên quan đến phát triển xanh, phát triển bền vững, đặc biệt phải đảm bảo yêu cầu minh bạch và tự chủ nguyên liệu sản xuất đầu vào nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu, tận dụng tốt hơn lợi thế từ các FTA.
Trong báo cáo về ngành dệt may mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đứng trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, không chỉ với các quốc gia khác mà còn giữa những doanh nghiệp nội địa. Khả năng sinh lời không có nhiều dư địa để mở rộng đối với các doanh nghiệp trong ngành ở thời điểm hiện tại. Trong dài hạn, cơ hội tăng trưởng sẽ đến với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến để cải thiện năng suất, hoặc định hướng sản phẩm có giá trị gia tăng cao như hàng thiết kế, tạo ra sự khác biệt nhằm cạnh tranh về chất lượng thay vì giá.