Người dân xã Tri Phương, huyện Tràng Định chăm sóc ngựa bạch |
Báo Lạng Sơn đưa tin, là một trong những hộ tiên phong phát triển chăn nuôi ngựa trên địa bàn xã Tri Phương, huyện Tràng Định(Lạng Sơn), anh Nông Văn Ngọc, thôn Phai Sào cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi trâu, bò. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu về sức kéo giảm và giá bán trâu, bò thịt cũng bấp bênh nên tôi chủ động chuyển đổi sang chăn nuôi ngựa. Theo đó, năm 2018, tôi dùng số vốn tích góp được để mua 3 con ngựa giống. Nhận thấy ngựa dễ chăm sóc, giá bán cao nên năm 2020, tôi tăng đàn ngựa lên 8 con và duy trì số lượng đó cho đến nay. Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 2 đến 3 con ngựa, với giá dao động từ 25 đến 30 triệu đồng/con, nên riêng nuôi ngựa đã đem lại thu nhập trên 50 triệu đồng.
Không chỉ gia đình anh Ngọc, một số hộ dân nhận thấy chăn nuôi ngựa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã chủ động vay vốn để phát triển mô hình. Điển hình như mô hình chăn nuôi ngựa theo hình thức bán chăn thả tại thôn B2, xã Tri Phương của gia đình ông Lý Văn Mằn. Ông Mằn cho biết: Nhận thấy gia đình có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi ngựa, đầu năm 2022, gia đình tôi đã làm hồ sơ vay 1,9 tỷ đồng theo Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 08) về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Sau khi có vốn, gia đình tôi đã mua 40 con ngựa bạch giống, đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại với diện tích hơn 1.000 m2 và trồng 2 mẫu cỏ voi. Sau gần 1 năm chăm sóc, từ cuối năm 2022 đến nay, gia đình tôi đã xuất bán 9 con ngựa với giá bán dao động từ 60 đến 70 triệu đồng/con, doanh thu đem lại gần 600 triệu đồng.
Nuôi ngựa theo hướng hàng hóa giúp gia đình anh Hoàng Văn Luân |
Giống như anh Ngọc, ông Mằn, đầu năm 2022, gia đình anh Trần Văn Quang thôn Sơn Hà, xã Bản Vược, huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai)) quyết định nuôi ngựa sinh sản. Với 80 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tiền tích lũy được, gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 25 con ngựa giống về nuôi. Sau 1 năm, anh xuất bán 8 con ngựa, thu nhập cả trăm triệu đồng.
Anh Quang cho biết: Nuôi ngựa sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngựa nuôi ít dịch bệnh, chi phí thức ăn cũng rẻ hơn so với nuôi trâu, bò.
Tại xã Mường Vi, các hộ tham gia dự án nuôi ngựa sinh sản được vay vốn từ nguồn ủy thác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Gia đình ông Hoàng Văn Luân (thôn Làng Mới, xã Mường Vi) được vay 170 triệu đồng để mở rộng quy mô nuôi ngựa. Cuối năm 2022, gia đình ông xuất bán 15 con (cả ngựa giống và ngựa thịt), thu về gần 200 triệu đồng. Ông tiếp tục xây dựng 2 dãy chuồng, nuôi 20 con ngựa, trong đó có 10 con ngựa sinh sản. “Nuôi ngựa cho thu nhập cao, yên tâm đầu ra mà lại không tốn nhiều công chăm sóc” – ông Luân cho biết.