Ông Lê Mạnh Hùng mạnh dạn đầu tư trang trại theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. |
Tiên phong làm nông nghiệp công nghệ cao trên vùng đất khó
Ở vùng đất Hương Khê được ví như "chảo lửa, túi mưa", bao đời nay, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người dân chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Vì thế, để tìm hướng đi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như đa dạng hóa các đối tượng cây, con là yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Để thực hiện được điều đó, không chỉ là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mà nhiều người dân nơi đây đã mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm, dám thử thách để tìm cho mình thêm hướng làm giàu mới. Một trong những người như thế đầu tiên phải kể đến ông Lê Mạnh Hùng, xã Hương Trà (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là người đầu tiên thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại vùng đất khó Hương Khê này.
Trang trại được xây dựng khang trang, khoa học của gia đình ông Lê Mạnh Hùng (SN 1961) ở thôn Tây Trà được đánh giá là mô hình nông nghiệp hiện đại bậc nhất ở địa phương. Trước khi đến với linh vực nông nghiệp, ông Hùng trải qua nhiều linh vực khác nhau.
Vườn dưa lưới lúc lỉu quả của ông Hùng. |
Năm 2015, khi có chủ trương, chính sách của tỉnh, của huyện Hương Khê về khuyến khích xây dựng trang trại, nhận thấy cơ hội và được bạn bè, chính quyền động viên, ông Hùng dành hết vốn liếng để mua lại 4 ha đất tại khu quy hoạch của xã Hương Trà.
"Thời điểm đó, tôi đã có tuổi, trong khi công việc kinh doanh tương đối thuận lợi, an nhàn với thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng nên việc bỏ phố về nông thôn làm trang trại là một quyết định rất khó khăn. “Vạn sự khởi đầu nan”, khó khăn còn nối tiếp nhau khi gia đình thiếu vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm, trong khi đất đai còn hoang hóa, nhiều cây tạp, cằn cỗi. Nhiều lúc nản chí, tôi đã tính bỏ cuộc, nhưng với quyết tâm, sự động viên, tiếp sức từ các chính sách, trại nuôi lợn kiên cố 2.200m2 cũng được hoàn thành và thả lứa giống đầu tiên vào cuối năm 2016", ông Hùng kể lại.
Đổi mới tư duy liên kết sản xuất
Do nắm bắt được xu thế, ông Hùng thực hiện chăn nuôi có liên kết với doanh nghiệp nên dù giá cả thị trường biến động, trang trại vẫn không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu. Thấy làm ăn có lãi, ông tiếp tục mở rộng quy mô chuồng từ 1.200 con/lứa lên 1.800 con/lứa. Kinh nghiệm làm nông nghiệp cứ thế nhiều thêm, gia đình ông quyết định theo đuổi con đường nông nghiệp công nghệ cao.
Hệ thống tưới của nhà màng được điều khiển tự động. |
Năm 2019, gia đình ông Hùng đầu tư xây dựng 2 nhà màng để trồng dưa lưới, trồng rau phục vụ thị trường tết. Đến năm 2022, ông tiếp tục liên kết với doanh nghiệp để xây dựng chuồng nuôi gà với quy mô hơn 10.000 con/lứa. Hiện nay, chuồng trại của gia đình được đầu tư bài bản, có máy điều hòa nhiệt độ; hệ thống máng ăn, máng uống tự động hoặc bán tự động.
Dưa lưới trong nhà màng được trồng bằng giá thể, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động công nghệ Israel. Đặc biệt, hiện nay, ông đang đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống xử lý môi trường hiện đại cho trang trại.
Với mỗi loại mô hình, ông đều đầu tư ứng dụng các quy trình KH&CN mới vào sản xuất, tìm tòi để làm chủ nó. Chẳng hạn như các loại vắc-xin, cơ chế hoạt động của các loại máy móc, thiết bị công nghệ…, ông đều nắm rất rõ. Theo ông Hùng, đây cũng là một trong những bí quyết để trang trại được xây dựng thành công và hiệu quả.
“Chúng tôi thuê chuyên gia, lao động làm việc nhưng không đứng ngoài chỉ đạo mà cùng công nhân trực tiếp theo dõi, tham gia tất cả các công việc. Trong đó, tôi tập trung vào các chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, còn vợ tôi chịu trách nhiệm quản lý sản xuất trong nhà màng. Thực tế, làm trang trại rất khó và vất vả nên đòi hỏi đầu tiên là người làm phải có đam mê, từ đó mới có ý tưởng, có sáng tạo và quyết tâm. Đặc biệt, phải đầu tư KH&CN, tuân thủ các quy trình kỹ thuật tuyệt đối và chú ý công tác môi trường thì mới phát triển bền vững” - ông Hùng chia sẻ.
Hiện nay, thu nhập của gia đình ông Hùng đạt hơn 1,6 tỷ đồng mỗi năm. |
Đến nay, gia đình ông Hùng đạt thu nhập hơn 1,6 tỷ đồng/năm từ trang trại. Trong đó, 2.000 m2 nhà màng, mỗi năm trồng 2 vụ dưa lưới, 1 vụ rau sạch cho lợi nhuận 200 triệu đồng/năm; 3 chuồng lợn, nuôi 2 lứa/năm, mỗi lứa xuất chuồng 200 tấn, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng; 1 chuồng gà lợi nhuận 400 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình hiện có 1,5 ha cây ăn quả các loại đang chuẩn bị đến tuổi cho thu hoạch. Trang trại còn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động cố định và 10 lao động thời vụ.
Vùng đất "chảo lửa túi mưa" đã được khai thác hiệu quả tiềm năng nhờ những người tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp như ông Hùng. Chủ động từ sản xuất đến tiêu thụ nhờ khoa học công nghệ và liên kết sản xuất đã giúp trang trại nông nghiệp công nghệ cao của ông Hùng cho hiệu quả cao. Đây cũng là điểm đến để người dân địa phương học hỏi và áp dụng./.