![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện trước Nhà Trắng sau khi thông báo hoãn thuế. Ảnh: Reuters |
Trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social chiều cùng ngày theo giờ địa phương, Tổng thống Trump viết: "Dựa trên thực tế là hơn 75 quốc gia đã liên hệ với các đại diện của Mỹ, bao gồm các bộ Thương mại, Tài chính và đại diện Thương mại Mỹ (USTR), để đàm phán giải pháp cho các vấn đề liên quan đến thương mại, rào cản thương mại, thuế quan, thao túng tiền tệ và thuế quan phi tiền tệ, và các quốc gia này đã không có bất kỳ hình thức trả đũa nào đối với Mỹ, tôi đã cho phép tạm dừng 90 ngày và giảm đáng kể thuế đối ứng xuống 10% trong giai đoạn này, với hiệu lực ngay lập tức".
Tuy nhiên, ông Trump cho biết thuế đối với Mỹ giờ đây sẽ tăng lên tổng cộng 125% và có hiệu lực ngay lập tức, sau khi Bắc Kinh đáp trả đợt tăng thuế mới của Washington.
Ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam đánh giá, 90 ngày hoãn thuế là thời gian để có thể đàm phán thêm, cũng như thúc đẩy xuất khẩu nhanh các đơn hàng sang Mỹ. Nhiều đơn hàng doanh nghiệp đã và đang sản xuất, sẵn sàng xuất khẩu nhưng vì thời hạn áp thuế 9.4 trước đó mà đối tác tạm dừng nhập khẩu, nay thúc đẩy xuất khẩu nhanh, tránh để hàng tồn quá lâu.
Khuyến cáo được ông Cầm đưa ra cho các doanh nghiệp ngành dệt may thời điểm hiện tại, đầu tiên là phải đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán để chia sẻ rủi ro về mức thuế 10% hiện tại cũng như các vấn đề về thuế sau thời hạn 90 ngày. Từ đó, doanh nghiệp tính toán điều tiết chi phí sản xuất cho hiệu quả nhất.
"Khi thuế đối ứng được Mỹ áp ở mức 10%, trao đổi giữa các doanh nghiệp trong ngành dệt may với các đối tác thấy rằng, xu hướng chung là các đối tác sẽ tìm cách đàm phán, chia sẻ một phần thuế tăng thêm với các nhà sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh... Nhà sản xuất sẽ phải giảm một phần giá bán, ảnh hưởng biên lợi nhuận", ông Cầm nói.
Theo vị này, khoảng thời gian hoãn thuế 90 ngày cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tích cực khai thác, tìm kiếm thêm các thị trường mới thay thế, bù đắp khi thị trường Mỹ giảm nhu cầu. Theo quan sát của nhóm nghiên cứu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các thị trường rất tiềm năng hiện nay có thể kể tới là Canada, ASEAN…
Ông Cầm phân tích, trong bối cảnh tất cả bị đánh thuế bất ngờ, thị trường toàn cầu, chuỗi cung ứng tương đối náo loạn, đó là cơ hội để sắp xếp. Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam dựa trên lợi thế cạnh tranh như năng lực đáp ứng đơn hàng lớn, sản xuất nhanh… có thể tiếp xúc lại với các khách hàng trước đây từng tiếp xúc nhưng chưa hiệu quả hoặc các đối tác trước đây doanh nghiệp chưa thực sự để tâm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thăng - giám đốc điều hành Tổng công ty May Đáp Cầu - đơn vị có tới 90-95% hàng may mặc xuất sang Mỹ - cho biết, ngay trong sáng sớm nay, đơn hàng bắt đầu quay trở lại và chúng tôi đã chốt đơn. Bởi với việc áp thuế 10%, mình vẫn còn có lợi so với các đối thủ cạnh tranh khác như Campuchia và Bangladesh, không chỉ mức thuế có lợi mà nhiều mặt hàng các đối thủ không làm được như mình.
“Cùng với chất lượng, tiến độ giao hàng, tuân thủ quy trình, thủ tục và quy định với nhà mua hàng, nên hàng dệt may Việt Nam vẫn được các nhà mua tín nhiệm. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Đảng, Chính phủ và đoàn công tác sang Mỹ đàm phán với những chiến lược mềm dẻo mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp" - ông Thăng chia sẻ.
![]() |
Doanh nghiệp dệt may nhận đơn hàng trở lại. |
Ông Thăng bày tỏ dù thời gian tới còn phải đàm phán, song doanh nghiệp tin tưởng vào những chỉ đạo điều hành, nỗ lực trong ngoại giao của Đảng và Chính phủ, kỳ vọng đạt được thỏa thuận tốt hơn với Mỹ với mức thuế ưu đãi nhất trong quan hệ thương mại.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng, bởi "tạm hoãn" không đồng nghĩa với việc "bãi bỏ hoàn toàn" - các rủi ro sau này vẫn tiềm ẩn.
Tạm giãn bớt căng thẳng nhưng không có nghĩa mọi việc dễ dàng. Lệnh tạm hoãn áp thuế đối ứng giúp doanh nghiệp có "thời gian vàng" để chuẩn bị và điều chỉnh chiến lược. Doanh nghiệp hiểu rõ nguy cơ về phòng vệ thương mại chưa hẳn chấm dứt, nên tiếp tục mong chờ sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan chức năng, củng cố nội lực để sẵn sàng ứng phó khi rủi ro tiếp diễn”, ông Mạc Quốc Anh - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội nhấn mạnh.
![]() |
![]() |
![]() |