Chị Trang và chồng là anh Nguyễn Quốc Tuấn chăm sóc kỹ càng cho từng luống rau sạch |
Chị Diệp Thị Thảo Trang sinh năm 1992 tại thôn Nam Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), từng có việc làm ổn định tại cơ quan Nhà nước, song chị đã từ bỏ để gắn bó với ngành nông nghiệp.
Chia sẻ về bước ngoặt lớn này, chị Trang tâm sự, người truyền cảm hứng và động lực lớn nhất cho chị là chồng, anh Nguyễn Quốc Tuấn. Năm 2017, anh Tuấn, khi ấy đang công tác tại một đơn vị thuộc Sở Y tế Quảng Nam, cảm thấy không còn thích hợp với công việc đang làm nên quyết định chuyển hướng.
Khá hứng thú với nông nghiệp công nghệ cao, anh Tuấn quyết định nghiên cứu tìm hiểu và học hỏi về mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng và sau đó về công tác cho một doanh nghiệp tại Tp. Đà Nẵng thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hai năm sau, anh thành lập công ty riêng chuyên về tư vấn – thi công hệ thống trồng rau sạch quy mô trang trại và hộ gia đình và cung cấp thực phẩm sạch.
Từ bước đệm của chồng, năm 2021, chị Trang cũng tiếp tục đưa ra quyết định táo bạo về quê khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Lúc này, cùng với hai vợ chồng chị Trang còn có thêm những người bạn làm kỹ sư nông nghiệp cùng chí hướng đã thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao huyện Thăng Bình vào tháng 11/2021. HTX có 7 thành viên tham gia, trong đó chị Diệp Thị Thảo Trang làm Giám đốc.
Kinh phí đầu tư trồng rau sạch hơn 600 triệu đồng |
Thành lập HTX đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đó vừa là thách thức, vừa là cơ hội của nữ giám đốc HTX. Theo chị Trang, sau dịch Covid-19, hầu như nhiều người càng muốn quay trở về với những gì bình yên hơn, tìm về giá trị truyền thống nhiều hơn. Do đó, HTX hướng đến 2 hoạt động chính là sản xuất nông nghiệp sạch và du lịch trải nghiệm được điều hành trên nền tảng công nghệ.
Với diện tích 3.000 m2, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình sử dụng 400 m2 để trồng rau quả thủy canh, diện tích còn lại trồng rau quả hữu cơ và hoa. Tất cả các sản phẩm này đều được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global gap trên nền tảng ứng dụng các giải pháp công nghệ cao giúp tăng năng suất trong trồng trọt.
Chị Diệp Thị Thảo Trang cho hay: Hiện tại HTX liên kết với các vườn của các hộ nông dân tại địa phương, thi công và chuyển giao quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp giải quyết được vấn đề “được mùa mất giá” cho bà con nông dân.
“Đến nay, HTX đã hình thành được kênh phân phối sỉ và lẻ các mặt hàng rau, củ, quả do chính HTX và các vườn của hộ nông dân địa phương trồng, phân phối đến các siêu thị thực phẩm sạch, nhà hàng, khách sạn, khu resort, bếp ăn công nghiệp… trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Các em nhỏ tham gia trải nghiệm tại HTX của chị Diệp Thị Thảo Trang |
Bên cạnh đó, chúng tôi cung cấp dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch. Cụ thể là tổ chức các chuyến tham quan cho trường học, giúp các em có cơ hội nhìn thấy và trực tiếp trải nghiệm quy trình trồng cây, chăm sóc và thu hoạch, từ đó áp dụng vào các bài học lý thuyết trên lớp. Từ khi thành lập cho đến nay, HTX Nông nghiệp công nghệ cao đã đón tiếp hơn 2.500 lượt khách tham gia trải nghiệm”, chị Trang cho biết.
Theo chị Trang, khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, tuy nhiên với quyết tâm của các thành viên HTX, nhất là tập hợp được những người trẻ, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng công nghệ vào sản xuất. Hiện bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng hơn 2,5 tấn rau, củ ra thị trường với mức giá dao động từ 40.000-80.000 đồng/kg, thu lãi gần 30 triệu đồng, giải quyết cho nhiều lao động tại địa phương có thu nhập ổn định.
“HTX đang hướng đến tiếp cận chương trình mỗi xã một sản phẩm. Bên cạnh đó phát triển mạnh hơn về du lịch trải nghiệm để lan tỏa tinh thần sống xanh, góp phần thực hiện chiến lược du lịch của địa phương, đó là Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”- Chị Trang chia sẻ.