Uống nước dừa trong kỳ kinh nguyệt có tốt không? Nước dừa rất ngon nhưng tuyệt đối đừng dùng chung với những thực phẩm này Có nên uống nước dừa mỗi ngày |
Uống nhiều nước dừa ngày nắng nóng có tốt không?
Nước dừa là một sự lựa chọn rất được ưa chuộng để giải nhiệt mùa nắng nóng. |
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, nước dừa là một sự lựa chọn rất được ưa chuộng để giải nhiệt mùa nắng nóng. Trái dừa gồm nước dừa ngọt thanh và cơm dừa trắng thơm, giàu chất dinh dưỡng. Nước dừa, cơm dừa, dầu dừa, vỏ dừa, rễ dừa đều là vị thuốc tốt dùng chữa bệnh. Nước dừa là chất lỏng trong suốt, không màu ở bên trong một trái dừa. Đây là một trong những loại thức uống phổ biến có thể giúp làm mát cơ thể và cung cấp năng lượng.
Theo Đông y, nước dừa vị ngọt mát, tính bình; vào tỳ, thận và vị; tác dụng giải nhiệt, tiêu khát, lợi niệu, giải độc, cầm máu, tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc. Nước dừa từ lâu đã được sử dụng rộng rãi như một loại nước giải khát, đồ uống bổ sung nước, điện giải tự nhiên, được ưa chuộng chủ yếu ở vùng nhiệt đới. Trong nhiều cuộc chiến tranh, nước dừa còn được dùng làm dịch truyền. Nước quả dừa non được các nhà khoa học gọi là “nước khoáng thực vật” vì chứa nhiều vi lượng khoáng cần thiết cho cơ thể và dễ tiêu hóa. Lượng vitamin C đủ cho yêu cầu 1 ngày, cùng các loại vitamin B như acid folic.
Trong 1 cốc nước dừa 240ml có thành phần chủ yếu là nước (228g) với 600mg kali (12% giá trị hàng ngày), khoảng 252mg natri, 57,6mg canxi, 60mg magiê (chiếm tới 10% nhu cầu calci và magie của cơ thể mỗi ngày), khiến cho nước dừa trở thành một loại đồ uống có tính điện giải cao. Nước dừa chứa khoảng 46 calo, 10g đường tự nhiên, ít protein và không có chất béo nên có thể là một giải pháp thay thế ít calo, ít đường cho các loại đồ uống giải khát như nước ngọt đóng chai.
Vào mùa hè, nắng nóng, thời tiết oi bức khiến cho chúng ta cảm thấy nóng nực, khó chịu. Trong những thời điểm như vậy, con người rất dễ bị say nắng và mất nước, muối qua mồ hôi, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe hoặc thậm chí tử vong. Do đó, cơ thể rất cần được bổ sung đủ nước và điện giải.
Chất điện giải rất quan trọng để duy trì tuần hoàn, sức khỏe tim mạch, cũng như ngăn ngừa mất nước. Duy trì mức điện giải cân bằng có thể giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng và giúp duy trì sự thư giãn của cơ bắp. Lúc này, nước dừa là một trong những loại thức uống được ưa chuộng sử dụng để bổ sung nước và điện giải tự nhiên, giúp duy trì sức khỏe và cân bằng nước trong cơ thể.
Ngoài ra, nước dừa có thể được sử dụng như một chất hỗ trợ bù nước qua đường uống để thay thế chất lỏng bị mất qua đường tiêu hóa ở những bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng do tiêu chảy, nôn ói nhiều,…nhưng chỉ dùng tạm thời chứ không nên lạm dụng và cần theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, việc uống nước dừa mỗi ngày không phải lúc nào cũng phù hợp cho mọi người. Chúng ta cũng không nên quá lạm dụng nước dừa uống hàng ngày trong thời gian dài hoặc uống quá mức, sẽ gây hại cho cơ thể.
Thời điểm nào không nên uống nước dừa?
Không nên quá lạm dụng nước dừa uống hàng ngày trong thời gian dài hoặc uống quá mức, sẽ gây hại cho cơ thể. |
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ lưu ý, mặc dù nước dừa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, giúp sảng khoái cơ thể trong thời tiết nắng nóng, nhưng việc uống nước dừa mỗi ngày không phải lúc nào cũng phù hợp cho mọi người.
Nếu muốn dùng mỗi ngày chúng ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem xét tình trạng sức khỏe của bản thân, cân nhắc lượng calo và chất khoáng đã tiêu thụ từ các nguồn khác trong chế độ ăn uống hàng ngày để đảm bảo rằng việc uống nước dừa hàng ngày không gây ra tác dụng phụ hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.
Nhu cầu giải khát, bổ sung nước, chất khoáng cho cơ thể bằng nước dừa khi thời tiết nắng nóng là cần thiết, tuy nhiên không nên quá lạm dụng. Tốt nhất hãy lắng nghe nhu cầu của cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nước dừa (hoặc các loại thức uống giải nhiệt khác) hàng ngày để mang lại hiệu quả giải nhiệt tốt nhất và an toàn cho sức khỏe.
Những người có cơ thể thuộc hàn (chậm tiêu, thích uống đồ ấm, da xanh tái, hay bị đau bụng, sôi bụng, tiêu phân lỏng, lạnh tay chân,…) thì không nên thường xuyên sử dụng nước dừa, các loại thảo dược thanh nhiệt sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tiêu chảy, hao tổn chân âm,…
Mỗi ngày chỉ nên uống một quả. Uống nhiều sẽ gây đầy bụng, nhất là khi có kèm cơm dừa, đá lạnh và uống vào chiều tối. Khi đi nắng về đói mệt không nên uống nước dừa, nhất là những người đang có bệnh thì dễ bị những tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh,…
Trước khi thi đấu thể thao, không nên uống nước dừa. Không nên thay thế nước lọc bằng nước dừa vì nếu uống nước dừa quá nhiều có thể bổ sung quá mức các vitamin và khoáng chất cũng như tăng lượng đường nạp vào cơ thể.
Không nên uống hàng ngày trong thời gian dài hoặc uống quá mức, vì điều này có thể gây rối loạn điện giải và ảnh hưởng đến chức năng cơ. Người suy thận khi sử dụng nước dừa cần cân nhắc lượng vừa phải để không ảnh hưởng đến chức năng thận.
Một số bài thuốc từ nước dừa
Trong nhiều cuộc chiến tranh, nước dừa còn được dùng làm dịch truyền. |
Nước dừa được dân gian dùng chữa các bệnh sau:
Khản tiếng: Rau má 8g. Nước dừa non 1 cốc. Giã rau má, vắt lấy nước cốt pha nước dừa uống.
Kiết lỵ cấp tính: Rau má 50g. Nước dừa tươi non 1 quả. Rửa sạch rau má giã nhỏ, đổ nước dừa vắt lấy nước uống. Mỗi ngày một quả.
Nôn mửa: Nước dừa 2 chén, rượu nho 1 chén, nước gừng 10 giọt trộn đều uống.
Lợi tiểu giải độc: Uống nước dừa non lợi tiểu trong các bệnh tim mạch, thận.
Viêm thận phù nề: Nước dừa, rễ cỏ tranh 30g, rễ co lau 30g. Sắc lấy nước. Trộn đều uống.
Tẩy sán lá (fasciolopsiasis), sán dây: Buổi sáng chưa ăn gì lấy 1/2 quả dừa, uống nước và ăn cùi dừa. Ăn 1 lần cho hết. Không cần thuốc tẩy. Sau 3 giờ ăn uống bình thường (thức ăn lỏng).
Canh dừa khử độc hại của rượu, “bôi trơn” các khớp: Lấy 1 quả dừa cắt ngang phần trên làm nắp. Lấy 20g đậu đen vo sạch cho vào trong quả dừa rồi đậy nắp lại đặt lên 1 cái đĩa. Đặt cả dừa và đĩa vào nồi, chưng trong 4 giờ. Sau đó có thể cho ít muối tuỳ ý để uống canh dừa. Mỗi tháng uống 1 - 2 lần.
“Kê khương đường” là một bài thuốc dân gian “nổi tiếng từ xưa” để chữa hoại tử ruột do bệnh thương hàn: Dừa tươi 1 trái. trứng gà 1 quả, gừng tươi 100g, cam thảo 15g. Cùi dừa tán nhuyễn với gừng và cam thảo. Đổ nước dừa và lòng đỏ trứng và quấy đều chưng đến khô vắt nước uống. Ngoài ra Tây y còn dùng nước dừa non làm dịch truyền trong thời kỳ chiến tranh.