Cá tai tuowngj da beo bé nhưng hung hãn |
Cá tai tượng da beo còn có tên khác là cá heo lửa, cá tai tượng kiểng... Đây là loài có kích thước nhỏ nhưng rất hung hãn, ăn tạp nên còn được gọi là “cá hung dữ”. Nhờ vẻ ngoài sặc sỡ đẹp mắt nên cá tai tượng da beo thường nuôi làm kiểng. Do đánh bắt quá mức, cá tai tượng trong tự nhiên trở nên khan hiếm, đẩy giá thành của loại cá kiểng này cũng lên mức cao hơn rất nhiều. Thế nhưng cá tai tượng da beo lại ngày càng được nhiều người biết đến, nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao.
Để đáp ứng nhu cầu về cá tai tượng da beo ngày càng tăng của thị trường, nhiều nông dân tại tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng đã thử nghiệm mô hình nuôi cá tai tượng da beo trong môi trường trang trại, ao hồ kênh rạch có hệ thống. Nhờ đi đúng hướng, “nghề nuôi con cá hung dữ” này đang mở ra nhiều kỳ vọng cho bà con nông dân. Nhiều người trong số những nông dân mạnh dạn theo đuổi mô hình nuôi cá tai tượng da beo thu về lợi nhuận khủng, nhiều nông dân thoát nghèo trở thành tỷ phú.
Anh Thức bên bể nuôi cá |
Trong số đó phải nói đến Phó Bí thư đoàn thanh niên thị trấn Ngã Sáu - anh Nguyễn Trí Thức (ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Anh Thức kể, năm 2017, anh tập tành nuôi cá chạch lấu trong bể bạt nhưng cá chậm lớn, đầu ra không ổn định nên thua lỗ kéo dài. Năm 2019, anh được người quen giới thiệu mô hình nuôi cá tai tượng da beo ở Sóc Trăng. Nhận thấy loại cá kiểng này được người chơi ưa chuộng, đầu ra ổn định, anh quyết định chi 15 triệu đồng mua hơn 5.000 con giống về nuôi và chọn làm mô hình khởi nghiệp.
Tận dụng bể nuôi cá chạch lấu trước đó, anh Thức thả nuôi thử nghiệm cá tai tượng da beo trong 2 bể. Lần này, anh tiếp tục nhận “trái đắng”, đàn cá chết gần hết, chỉ còn khoảng 1.000 con. Không nản lòng, anh mua thêm 10.000 con giống, quyết chinh phục loại cá này.
Nhờ đúc kết kinh nghiệm trong quá trình nuôi cũng như chịu khó đến một số trang trại quy mô lớn ở các tỉnh, thành miền Tây tham quan, hỏi hỏi, dần dần anh đã gây dựng đàn cá thành công. “Ban đầu nuôi, do thiếu kinh nghiệm, không hiểu được tập tính, thức ăn của cá và môi trường nước sao cho phù hợp nên tôi thất bại. Tuy nhiên, sau mỗi lần thất bại, tôi rút ra được kinh nghiệm và học hỏi thêm để đi đến thành công”, anh Thức kể.
Hiện nay, trại cá của anh Thức luôn duy trì khoảng 80 cặp cá bố mẹ và trên 50.000 con cá giống, gồm 2 loại cá tai tượng da beo trắng và cá tai tượng da beo đen.
Anh Thức cho biết, để nuôi cá hiệu quả, độ pH trong nước phải đảm bảo trong tiêu chuẩn từ 6,5-7,5. Bể nuôi cần được trang bị hệ thống xử lý nước và sủi oxy giúp cá sinh trưởng tốt. Thời gian sinh sản cá rơi vào tháng giêng đến tháng chạp, kéo dài từ 6-7 tháng. Sau khi cá mái sinh sản, trứng được vớt đem ấp từ 3-4 ngày sẽ nở. Mỗi ổ trứng ấp ra khoảng vài trăm đến hơn 1.000 con cá bột, nhưng vào mùa mưa, rất khó ấp trứng cá và tỷ lệ hao hụt cao. Mùa nắng thì lệ trứng đậu rất cao.
Cá bột được cho ăn trứng nước đến khoảng 7 ngày sau có thể kết hợp cho ăn trùn chỉ và thức ăn để cá phát triển nhanh. Cá sau khi nuôi đạt kích cỡ từ 3-4 cm sẽ được anh Thức đem vào bể nuôi riêng để cá lên màu, tăng giá trị. “Khi cá lên màu, nổi hoa văn đỏ dọc hai bên bụng sặc sỡ thì giá trị cũng tăng lên. Chẳng hạn, cá giống chưa lên màu khoảng 20.000 đồng/con, nhưng khi lên màu thì giá tăng gần 30.000 đồng/con”, anh Thức nói.
Cá tai tượng da beo có thể đạt chiều dài 40cm, có màu vàng, đen |
Mỗi năm, anh Thức xuất bán cho các thương lái ở TP.Cần Thơ từ 200.000-300.000 con cá giống, giá 3.000-30.000 đồng/con (tùy kích cỡ, lên màu hay chưa lên màu). Nhờ đó, anh có thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm.
“Khởi nghiệp từ loại cá này, nếu đam mê và nắm vững kỹ thuật, sẽ cho thu nhập cao. Các đoàn viên, thanh niên ở nông thôn có thể tận dụng diện tích vườn nhà để nuôi, tăng thêm thu nhập gia đình. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ về kỹ thuật và cung cấp cá giống chất lượng với giá hỗ trợ”, anh Thức chia sẻ.