Chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Hải tại xưởng may của mình (Ảnh: Tiến Thành). |
Làm công nhân để nuôi chí lớn
Với khát vọng vươn lên làm giàu cùng tinh thần dám nghĩ, dám làm, anh Đặng Thanh Hải (SN 1997), trú thôn Tân Sơn, xã Đức Ninh, TP Đồng Hới đã vươn lên là một trong những tấm gương thanh niên đi đầu trong phát triển kinh tế giỏi địa phương.
Xuất phát điểm chỉ là một công nhân may đơn thuần, sau nhiều năm đi làm, anh Đặng Thanh Hải đã nung nấu ý chí làm ăn lớn, bắt đầu khởi nghiệp. Đầu năm 2020, anh Hải đã nắm bắt thời cơ và mạnh dạn đầu tư xưởng gia công hàng may mặc.
Hiện tại, xưởng may của vợ chồng anh Hải chủ yếu nhận may theo đơn đặt hàng các loại quần áo cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu (Ảnh: Tiến Thành). |
Theo những chia sẻ của ông chủ trẻ Thanh Hải, từ những ngày đầu mở xưởng may, vợ chồng anh gặp muôn vàn khó khăn, từ thiếu vốn, kỹ năng quản lý, nhân công chưa dày dặn kinh nghiệm trong việc sử dụng máy may...
Nhưng với niềm đam mê và không ngại khổ, anh Thanh Hải đã tập trung dành thời gian để trau dồi kiến thức, học hỏi nhiều nơi, tự mình gỡ bỏ dần những khó khăn.
"Tôi đi làm công nhân may cũng nhiều năm rồi và cũng đúc rút, học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm trong nghề. Với niềm khao khát sẽ có một cơ sở may riêng, tôi đã quyết định vay mượn, dồn tiền mở xưởng may gia công. Thời điểm đầu khi mới làm, tôi đã được Ngân hàng Chính sách xã hội và Tỉnh đoàn Quảng Bình hỗ trợ cho vay 90 triệu đồng, từ đó dần dần phát triển sản xuất", anh Hải chia sẻ về con đường khởi nghiệp.
Không ngừng cải tiến hình thức sản xuất và cập nhật nhiều kỹ thuật mới, những sản phẩm từ xưởng gia công của anh Hải luôn có đầu ra bảo đảm, nguồn hàng ổn định, được khách hàng tin cậy. Hàng xuất đi được đón nhận và có phản hồi tích cực, thị trường ngày càng mở rộng.
Dần xây dựng được bước đệm ban đầu, anh Hải tiếp tục đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất với số tiền hơn 400 triệu đồng, sản xuất theo đơn đặt hàng. Trung bình mỗi đơn hàng trị giá từ 200-300 triệu đồng, thời gian hoàn thành từ 1-3 tháng. Bình quân mỗi tháng, cơ sở của vợ chồng anh Hải cũng có doanh thu từ 100-150 triệu đồng.
Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động
Xưởng may của anh vợ chồng anh Hải đang chủ yếu nhận may theo đơn đặt hàng các loại quần áo cho các công ty sản xuất hàng xuất khẩu. Trung bình mỗi tháng, xưởng may của anh sản xuất được trên 20.000 sản phẩm.
Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, xưởng may của anh Hải còn giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động với thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng/người. Một số công nhân tiêu biểu thường xuyên tăng ca có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng/người.
Sau thời gian làm công nhân may với vốn kinh nghiệm học hỏi được, Thanh Hải đã lập xưởng may riêng và trở thành ông chủ (Ảnh: Tiến Thành). |
Chị Hồ Thị Thanh Hoa, ở thôn 4, xã Nghĩa Ninh TP Đồng Hới chia sẻ: "Tôi làm việc ở đây cũng lâu rồi, nghề may tuy đòi hỏi tỉ mỉ nhưng công việc nhẹ nhàng, làm việc trong nhà nên không vất vả. Xưởng may công việc cũng nhiều nên cũng bảo đảm cho công nhân. Lương của chị em ổn định, ai thấp còn được anh Hải hỗ trợ thêm".
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông chủ trẻ Thanh Hải không ngần ngại cho biết sắp tới sẽ mở rộng xưởng, mua sắm các trang thiết bị nhiều hơn để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người. Mô hình gia công may mặc của anh Hải không chỉ đem đến nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương, giúp họ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài việc nâng cao thu nhập cho gia đình, xưởng may của anh Hải còn giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động (Ảnh: Tiến Thành). |
Theo ông Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh, TP Đồng Hới, anh Đặng Thanh Hải là tấm gương về nghị lực, ý chí, không ngừng trau dồi, học hỏi, không ngại khó khăn. Anh Hải và câu chuyện khởi nghiệp của mình cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trên địa bàn.
"Mô hình gia công may mặc mà anh Hải triển khai thực sự mang lại những tín hiệu tốt, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã. Đây cũng là một điển hình trong phong trào tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian tới, phía chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện để cơ sở của anh Hải phát triển, mở rộng quy mô hơn nữa", ông Vũ nói.
Khởi nghiệp với nghề thợ may không phải là sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ, nhưng với Đặng Thanh Hải không có gì là không thể. Hải đã chứng minh một điều, chỉ cần có khát khao, có nghị lực thì trong bất kể hoàn cảnh nào vẫn tạo lập được sự nghiệp./.