Những loại trái cây tăng sức đề kháng cho trẻ nhỏ Chìa khóa giúp trẻ tăng đề kháng, ít ốm vặt cho năm học mới Sữa non Colosmom Yumy – Dưỡng chất vàng giúp hỗ trợ tăng sức đề kháng |
Thời tiết chuyển mùa, trẻ nhập viện do mắc các bệnh hô hấp tăng. Khu vực xét nghiệm, siêu âm, thu ngân, quầy thuốc... luôn chật kín người |
Bé trai 7 tháng tuổi, sinh non ở tuần 33, cân nặng hiện tại 10 kg. Hai tháng nay, bé liên tục ho sốt do viêm phế quản, viêm phổi, phải uống và tiêm nhiều loại thuốc kết hợp. Mẹ là chị Lan, cùng chồng thường xuyên trắng đêm thay phiên ẵm con để bé dễ chịu, bớt khóc.
Ngày 20/10, chị đưa bé đi khám, phát hiện cúm A, bội nhiễm viêm amidan, uống kháng sinh nhưng tình trạng không cải thiện. Sốt ruột, chị Lan nhờ người quen tìm mua sản phẩm tăng sức đề kháng nhập khẩu từ Nhật Bản, dạng bột, giá 400.000 đồng một hộp.
"Tốn tiền mà con khỏe mạnh thì tôi cũng sẵn sàng vay mượn để mua thuốc bổ", chị nói và thêm rằng đã chi gần 4 triệu đồng mua sản phẩm tăng miễn dịch dạng bột và siro.
Nhiều phụ huynh khác cũng lo lắng tìm thuốc bổ cho con, giống chị Lan, trong bối cảnh Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc đang bùng nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi do adenovirus, RSV (virus hợp bào hô hấp)... khiến các cơ sở y tế quá tải, hết giường, trẻ phải nằm ghép, hoặc không được nhập viện. Họ mong muốn chủ động nâng cao miễn dịch cho con, tránh tình huống phải đi viện, tuy nhiên không ít người chia sẻ "như lạc vào ma trận".
Chị Mai, 28 tuổi, ở Cầu Giấy, nói người bán thường dùng những lời quảng cáo thần thánh như "cung cấp tất cả loại vitamin, chỉ cần uống một liệu trình", hay "dùng an toàn cho mọi lứa tuổi, không có chống chỉ định". Giá một sản phẩm từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu, thuốc nhập khẩu đắt hơn. Sau tham khảo nhiều nguồn, chị mua siro tăng đề kháng được người bán giới thiệu là nhập khẩu từ Pháp, giá hơn một triệu đồng một sản phẩm, dùng cả liệu trình ba tháng hết 5 triệu đồng.
Còn chị Thu, 35 tuổi, ở Thanh Xuân, nhờ người quen sống tại nước ngoài mua thuốc bổ cho hai con nhỏ. Trước đó, chị cho con uống sữa tăng đề kháng, uống lá húng chanh, vỗ đờm, rửa mũi, nhưng chỉ được vài tháng là con lại ốm. "Hết Covid-19, cúm A, tay chân miệng, giờ còn adenovirus rình rập, mình phải chủ động tăng đề kháng", chị nói và tìm hiểu thêm cả phương thức tiêm truyền đề kháng để hiệu quả nhanh hơn nhưng chưa dám thử vì con có tiền sử dị ứng.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho biết các bệnh hô hấp xảy ra quanh năm, song tăng cao khi thời tiết chuyển mùa, do không khí ẩm, nóng lạnh thất thường. Hầu hết bệnh diễn tiến từ 3 đến 5 ngày, sau đó giảm dần và vào giai đoạn hồi phục. Triệu chứng điển hình là ho, chảy mũi, hắt hơi, sốt...
"Tuy nhiên, không có bất kỳ thuốc nào có thể tăng miễn dịch ngay lập tức", ông Tiến nói, thêm rằng để khỏe mạnh, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, vận động mỗi ngày, đặc biệt là tiêm chủng đúng lịch. Do đó, phụ huynh đổ xô mua thuốc tăng đề kháng vừa không hiệu quả, vừa gây tốn kém, đôi khi phản tác dụng. Ví dụ uống sữa bò nhiều gây thiếu máu, cản trở hấp thu sắt; thừa vitamin A gây vàng da; quá liều vitamin D gây suy thận.
Trường hợp cần bổ sung chất, gia đình nên đưa trẻ đi khám, thiếu vi chất nào thì bổ sung vitamin đó, phổ biến nhất là vitamin A, D, Magie, kẽm..., phù hợp độ tuổi. Ngoài ra, bố mẹ không nên quan niệm "thuốc ngoại là tốt" và tự ý sử dụng bởi nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần, có thể gây hại nếu dùng quá liều.
Nhiều bệnh viện Hà Nội quá tải |
Bên cạnh đó, người mắc cúm, cảm mức độ nhẹ chỉ cần điều trị tại nhà bằng thuốc hạ sốt, giảm đau, uống đủ nước, dinh dưỡng và không cần truyền dịch. Riêng trẻ em hoặc người lớn tuổi, đặc biệt người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch có thể diễn biến nặng hơn, nên cần theo dõi kỹ và tuân thủ thuốc theo chỉ định.
Trường hợp đã giảm sốt, trẻ sốt lại kèm mệt mỏi, ăn kém, người nhà phải nghi ngờ liệu có bội nhiễm do vi khuẩn sau nhiễm virus, cần đưa đến cơ sở y tế để theo dõi, xử lý kịp thời.
PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhận định trẻ sau 6 tháng hay bị các bệnh lý về tai mũi họng do hết miễn dịch của mẹ truyền cho khi sinh. "Những bệnh lý trẻ mắc phải 80% là do virus nên chỉ cần dùng các thuốc chữa triệu chứng như hạ sốt, giảm ho..., để cơ thể trẻ tự sản sinh kháng thể chống lại các bệnh lý này", bà Đào nói.
Để tăng miễn dịch cho trẻ, bác sĩ Đào khuyến nghị bổ sung thực phẩm giàu đạm từ thịt, cá, trứng; ngũ cốc nguyên hạt; sản phẩm từ sữa ít béo; rau xanh và trái cây tươi giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C từ nước cam, chanh, bưởi, dưa hấu... Nếu trẻ mệt, biếng ăn, nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 lần trong ngày giúp dễ ăn và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Trường hợp trẻ bị sốt trên 38,5 độ C, có thể sử dụng thuốc hạ sốt như paracetamol, liều lượng tính theo cân nặng. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, truyền dịch... tại nhà.
Trẻ không ăn uống được hoặc không bú sữa, khó thở, thở gấp, thở rút lõm lồng ngực, sốt cao từ hai đến 5 ngày uống thuốc hạ sốt không đỡ, cần đưa ngay đến viện.