![]() |
Đôi sanh cổ hiếm hoi được người làng Vị khê lưu giữ mang đầy đủ các yếu tố của một tác phẩm bonsai hoàn hảo. |
Làng nghề Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) nổi tiếng khắp nước với giống cây sanh Nam Điền, được giới chơi cây đánh giá là giống sanh giá trị bậc nhất. Nhiều sản phẩm sanh Nam Điền được giới yêu cây cả nước săn lùng, có những giao dịch lên tới hàng chục tỷ đồng.
Tuy nhiên, ở làng Vị Khê hiện nay, có hai cây cảnh được người dân thay nhau chăm sóc, coi là bảo vật của làng, nhiều người sành chơi kéo về hỏi mua nhưng trả giá nào người dân trong làng cũng nhất quyết không bán.
![]() |
Hai cây sanh cổ được coi là bảo vật của làng Vị Khê được đặt trang trọng ở khu vực sân đình làng. |
![]() |
Đôi cây sanh cổ được người dân khẳng định là vô giá và chưa từng có ý định bán. |
Thời phong kiến triều Nguyễn, dân làng đã cắt cử người gồng gánh vào Huế để “thi đấu” cây cảnh với các làng nghề khắp cả nước, và giành được thứ hạng cao.
Theo ông Nguyễn Thế Lực, trưởng thôn Vị Khê cho biết: “Đôi cây này là của ông ngoại tôi, tuổi đời chính xác thì có lẽ không ai rõ nhưng cả trăm năm trước ông tôi đã đưa cây đi dự thi và được nhà vua ban thưởng”.
Nói về giá trị của đôi cây này, ông Lực nhấn mạnh: “Chắc chắn so với những cây giá trị hàng chục tỷ đồng trên thị trường thì đôi cây này không hề thua kém. Tuy nhiên, về giá trị thực của nó thì là vô giá bởi dân làng chúng tôi không có ý định bán, chưa từng định giá”.
![]() |
Ông Nguyễn Thế Lực, trưởng thôn Vị Khê kể về đôi cây bảo vật của ông ngoại mình tặng cho làng. |
![]() |
Đôi sanh cổ được coi là biểu tượng của làng nghề hơn 800 năm tuổi được người dân bảo vệ chăm sóc. |
Theo các vị cao niên trong làng, đôi cây là bảo vật của làng, hiện nay đang được giao cho hội nghệ nhân của làng có trách nhiệm chăm sóc và bảo quản. Nhiều lần các lãnh đạo trung ương về thăm đã đánh giá đây là một tài sản tinh thần vô giá. Người làng muốn lưu giữ để truyền từ đời này sang đời khác, duy trì truyền thống làng nghề cây cảnh hơn 800 trăm năm lịch sử.
Nhận định về sự độc đáo của cặp sanh cổ, ông Lực phân tích: Hai cây sanh này được tạo hình theo dáng trực, muốn thể hiện đức tính chính trực của con người. Với tuổi đời hơn 100 năm, đôi sanh được dân làng gọi với cái tên đơn giản là đôi trực cổ. Đôi cây này tính từ gốc lên đến ngọn có chiều cao 2m, ngang 1,6m.
Nhìn bề ngoài, hai cây cảnh này không to, hoành tráng như những “siêu cây” đình đám mà bây giờ dân chơi cây đang chuộng, nhưng chúng được làm theo đúng dáng long cổ, tay cút hoàn thiện, đều nhau, rễ đẹp…
Dưới mỗi gốc cây có một cây con, thường gọi là cây tử khiến gốc cây nhìn không bị trống trải, tạo cảm giác ấm áp cho gốc.
![]() |
Phần thân vỏ của cây sanh cổ xù sì và u cục chỉ những cây có tuổi thọ vài chục cho đến hàng trăm năm mới có được. |
Theo ông Lực, có 3 yếu tố chính để đánh giá về giá trị của một cây sanh đó là: Tuổi thọ của cây, dáng cây, và những lớp u cục của cây do thời gian để lại.
Chỉ vào lớp da sù sì, đầy u cục của cây, ông Lực phân tích, để có được lớp thân vỏ như này chỉ những cây có tuổi đời từ vài chục đến hàng trăm năm tuổi mới có được.
Cặp sanh cổ thụ ở làng Vị Khê đã trải qua những biến cố lịch sử, những thăng trầm của nghề cây cảnh bởi vậy nó là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống làng nghề. Bao thế hệ người dân làng Vị khê đã tạo dựng tên tuổi, sự nghiệp từ nghề cây cảnh được cha ông truyền thụ. Bởi vậy họ nâng niu, bảo về cặp sanh cổ để các thế hệ mai sau tìm hiểu và luôn trân trọng nghề cây cảnh truyền thống trăm năm./.