Ngày nay, việc cung cấp bữa ăn tại các tổ chức như cơ quan, doanh nghiệp, trường học và các cơ sở giáo dục đã trở nên rất phổ biến và đa dạng với nhiều hình thức khác nhau. Có thể tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn từ các đơn vị khác cung cấp, hoặc hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở cấp Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều vụ vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và bếp ăn tập thể. Mặc dù đã có những nỗ lực này, nhưng vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và học sinh.
Việc cung cấp bữa ăn an toàn và đảm bảo chất lượng là rất quan trọng. Người tiêu dùng cần phải được đảm bảo rằng bữa ăn được chuẩn bị và chế biến đúng cách, đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm. Các tổ chức cung cấp bữa ăn cũng cần đảm bảo rằng các nhân viên chuẩn bị và chế biến đồ ăn đều được đào tạo và có kinh nghiệm, và nên đưa ra các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 787/BYT-ATTP ngày 20/02/2023, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai các nội dung như:
Thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và Chỉ thị số 17/CT-TTg, đặc biệt là các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Người đứng đầu cơ sở và đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Bên cạnh đó chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó bảo đảm các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tại các trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế phải được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không để cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm được hoạt động.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhất là ngành Y tế - Giáo dục, phối hợp với các Ban quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường, Lãnh đạo các cơ sở y tế trong giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm từ nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao nhận thực phẩm, kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho khu công nghiệp/khu chế xuất, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn.
Đối với các cơ sở giáo dục, ngoài các quy định nêu trên, yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 08/7/2008 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và đào tạo Hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về công tác y tế trường học.
Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với từng đối tượng (công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, nhân viên nhà trường...), nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.
Đồng thời nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, đặc biệt là Ban quản lý các khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường, Lãnh đạo các cơ sở y tế để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng; biểu dương các cơ sở bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Các tổ chức đoàn thể, công đoàn trong khu công nghiệp/khu chế xuất, các cơ sở y tế, ban đại diện cha mẹ học sinh, đoàn thanh niên tại nhà trường, các tổ chức xã hội cũng cần có vai trò trong việc giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại các khu nghiệp/khu chế xuất, các bệnh viện, trường học.
Về các các đơn vị y tế trên địa bàn, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hoá chất; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng chuyên môn trong việc khám, cấp cứu và điều trị; xử lý, kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.