Trại nuôi ba ba gai của ông Nghị chi thu nhập tiền tỷ mỗi năm hiện nay được gây dựng từ nguồn vốn vài chục triệu đồng. |
Gom sổ đỏ vay vốn nuôi ba ba gai
Nhà ông Nghị ở thôn Văn Hưng (xã Cát Thịnh) nằm bên kia Ngòi Phà, nơi đây ông đã gậy dựng cơ sở nuôi ba ba giống khủng, cho lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm.
Kể về hành trình đến với nghề nuôi ba ba gai, ông Nghị cho biết, năm 2005, ông gom hết sổ đỏ của gia đình, người thân rồi vay 45 triệu đồng từ ngân hàng chính sách để nuôi ba ba.
Khu nuôi ba ba với diện tích hơn 2.000m2, muộn hơn nhiều hộ đã nuôi ba ba ở đây từ năm 1995. Mới đầu ông cải tạo cái ao thả cá trước cửa nhà, sau đến những ruộng chằm lầy thụt cấy lúa sang nuôi ba ba, mỗi năm làm một ít, kiếm được đồng nào bỏ vào xây ao nuôi ba ba bấy nhiêu. Mãi đến năm 2010 mới có ba ba bán, chưa nhiều nhặn gì…
Trại nuôi ba ba gai của ông Nghị cho lợi nhuận tiền tỷ mỗi năm. |
Gây dựng trại ba ba với vỏn vẹn 7 cặp ba ba giống, thời gian đầu, quyết định nuôi ba ba của ông gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm và tiềm lực tài chính còn yếu.
Không giống những gia đình nuôi ba ba thương phẩm, ông tự tìm hướng đi riêng: Nuôi ba ba sinh sản. Ngày ấy ông phải đi khắp nơi tìm mua ba ba giống, loài ba ba gai nên rất hiếm, có thể nói khó hơn là mua vàng. Nghe ở đâu có ba ba là ông đến, lùng mua bằng được, đắt mấy cũng mua.
Khác với các vật nuôi khác như lợn, gà cứ sau vài tháng có thể xuất bán, giống ba ba phải mất ít nhất 5 năm mới hy vọng thu được những đồng lãi đầu tiên. Cũng từng đó thời gian ông chắt chiu từng đồng vốn dồn vào trại ba ba. Ông còn bỏ công đi học hỏi của những người đi trước tại địa phương và lặn lội sang các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La để xem các mô hình nuôi ba ba.
Những đồng tiền ít ỏi thu được từ trồng chè cùng bao công sức đổ vào trại ba ba gai với niềm tin rất lớn vào việc sẽ đổi đời từ con ba ba. Bởi đi nhiều ông nhận thấy những ai nuôi ba ba đều có đời sống kinh tế phát triển so với việc trồng cây nông nghiệp.
Bí quyết gia tăng lợi nhuận cấp số nhân từ ba ba gai
Sau 17 năm, từ những mét vuông đầu tiên nuôi ba ba, đến nay gia đình ông Nghị đã mở rộng lên 3.000m2. Đến giờ thì nhà ông có khoảng 300 cặp ba ba bố mẹ, cứ 3 con cái và 1 con đực thành một cặp, tính ra có chừng gần 1.000 con ba ba bố mẹ tất cả.
Trang trại ba ba của gia đình ông mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 10.000 ba ba giống và duy trì gần 1.000 ba ba bố mẹ. Với giá thị trường dao động từ 100.000-200.000 đồng/mỗi con ba ba giống, khoảng hơn 6 năm nay, gia đình ông thu về hơn một tỷ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Văn Nghị hướng dân người dân kiểm tra sinh trưởng của ba ba thương phẩm. |
Chia sẻ về thu nhập từ việc nuôi ba ba, ông Nghị thẳng thắn cho rằng, từ khi bắt đầu nuôi ba ba đến 5 năm sau đó gần như ông không có lãi. Sau quãng thời gian này, kinh tế gia đình mới từng bước cải thiện.
“So với thu nhập từ trồng chè, nguồn thu từ nuôi ba ba cứ thế tăng lên qua các năm, từ cấp số cộng rồi lên đến cấp số nhân. Đây là lý do tôi dồn toàn lực để nuôi ba ba”, ông Nghị chia sẻ.
Số tiền lãi ban đầu thu được từ việc nuôi ba ba, vợ chồng ông Nghị dồn hết vào việc tái đầu tư. Theo ông Nghị, có hai hướng nuôi ba ba: nuôi ba ba thịt và nuôi ba ba giống. Gia đình ông chọn hướng nuôi ba ba giống và ông đánh giá đây vẫn là hướng đi đúng đắn.
“Khi cao điểm, giá mỗi con giống ba ba lên đến 700.000-800.000 đồng. Có lúc giá cả đi xuống nhưng vẫn duy trì bình quân ở mức 200.000 đồng mỗi con. Tính ra, xuất bán hơn một vạn con ba ba mỗi năm thu về tiền tỷ là khả thi”, ông nhẩm tính.
Ông Nghị lựa chọn ba ba giống trước khi xuất bán. |
Về đầu ra của ba ba, trước đây ông chủ yếu xuất bán sang thị trường Trung Quốc, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần đây ông tiêu thụ chủ yếu tại Yên Bái và các địa phương như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam...
Gần 20 năm qua, nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên các bệnh thông thường của ba ba, ông đều biết và xử lý được. Ví như, ba ba có các bệnh phổ biến như nấm ngoài da hoặc mắc bệnh do ăn phải đồ ôi thiu... ông Nghị sáng tạo ra cách đặt bùi nhùi và bèo để ba ba có chỗ trú và làm sạch nước.
Không chỉ thành công với trại ba ba gai thu lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, đây còn là địa chỉ để người dân muốn phát triển nghề nuôi ba ba tới học hỏi và luôn được ông Nghị tận tình chia sẻ. Hiện ông Nghị được tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Chăn nuôi ba ba gai Cát Thịnh nơi liên kết để giúp đỡ, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm, mở rộng quy mô chăn nuôi ba ba gai tại địa phương./.