Mê mùi khói của cà phê mà bỏ cả nghề... bác sĩ
Ở buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) ai cũng biết Y Pốt Niê. Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đông con, kinh tế rất khó khăn nhưng Y Pốt học rất giỏi, làm tới bác sĩ. Vậy mà một hôm hắn bảo thôi làm bác sĩ về làm cà phê. Hắn chỉ nói vậy rồi làm thật không chờ phản ứng của bố mẹ, gia đình.
Y Pốt Niê và những hạt cà phê được sàn lọc, lựa chọn kỹ càng. Ảnh: Duy Hậu. |
"Trong lúc làm tại bệnh viện, tôi thấy công việc đó phù hợp với mình. Nhưng tôi lại muốn làm việc gì đó lớn hơn. Và thực ra, ý tưởng làm cà phê của tôi đã xuất phát từ rất lâu"- Y Pốt nói với chúng tôi về lý do bỏ làm bác sĩ.
Đầu năm 2019, Y Pốt nghỉ hẳn việc ở Bệnh viện TP Buôn Ma Thuột, về buôn. Chàng thanh niên ấy khởi nghiệp bằng 1,5ha cà phê có sẵn của gia đình. Và cũng từ lúc đó, Y Pốt bị bố mẹ... từ mặt.
Nhưng ý đã quyết, Y Pốt cứ thế, im lặng làm. "Để bố mẹ ủng hộ, chẳng có cách nào khác là phải đạt được một kết quả tốt, đấy là cách thanh minh tốt nhất"- Y Pốt nói.
Một mình xoay sở mọi thứ, gia đình không ủng hộ, dân làng thì cho là "quái dị" nên những bước đi đầu tiên của chàng thanh niên ấy khó khăn lắm.
Y Pốt kể với chúng tôi, bao đời nay, người Ê Đê vẫn thưởng thức cà phê theo một cách rất riêng. Thường trong vườn nhà của mỗi gia đình đều có trồng cà phê. Tới mùa thu hoạch, đồng bào Ê Đê cứ hái dần từng hạt cà phê chín mọng mang về phơi. Sau khi tách vỏ, những hạt cà phê nhân được đem rang trên bếp lửa.
Công nhân của Ê Đê cafe lựa phân loại hạt cà phê trước khi đưa vào rang xay. Ảnh: Duy Hậu. |
Khi đã rang đủ chín (tùy từng khẩu vị mà hạt cà phê có thể rang lâu hơn hoặc nhanh hơn), những hạt cà phê ấy tiếp tục được đưa vào cối giã cho mịn. Sau đó, người Ê Đê dùng giấy hoặc vải để pha cà phê uống.
Y Pốt đi làm bác sĩ nhưng cái mùi cà phê mang đậm "hương vị Ê Đê" ấy ám ảnh hắn mãi. "Nó có mùi khói, có vị đậm đà, có cái hương quyến luyến… khó tả lắm"- Y Pốt cho biết.
Vì cái quyến luyến ấy mà từ khi ra trường đi làm, Y Pốt đã nghĩ mình phải làm gì đó để lưu giữ, quảng bá cà phê mang "hương vị Ê Đê". Thế nên, chàng trai ấy đã mày mò tìm hiểu về cách chế biến cà phê của đồng bào mình trong bất cứ thời gian nào rảnh rỗi.
Những khi về nhà, chàng trai ấy tìm mua, hoặc tự tay rang xay ra loại cà phê mang "hương vị Ê Đê" biếu bạn bè. Thật bất ngờ, ai nếm thử loại cà phê ấy đều khen và rất thích thú.
Y Pốt cũng nghĩ, ở thành phố, mỗi li cà phê được bán với giá không hề rẻ. Thế mà sao đồng bào mình làm cà phê bao đời nay vẫn không giàu nổi? Cái ý nghĩ "phải làm cái gì đó lớn hơn" xuất phát từ ý nghĩ này.
"Cái gì đó lớn hơn" mà Y Pốt nghĩ đến chính là làm sao để đồng bào mình có cuộc sống tốt hơn. Nhưng làm thế nào để nói cho gia đình và buôn làng hiểu? Hắn chẳng thể nói ra được nên đã chấp nhận việc gia đình "từ mặt", việc xóm giềng dị nghị.
Thế nên Y Pốt cứ âm thầm. Từ những hạt cà phê trong vườn nhà, Y Pốt lựa chọn, rang xay rồi đóng gói rao bán. Ban đầu, Y Pốt đăng ký là một hộ kinh doanh chỉ buôn bán nhỏ lẻ. Rồi khi có những đơn hàng lớn hơn, Y Pốt thành lập công ty.
Để chắc chắn rằng sản phẩm của mình làm ra đủ tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu, Y Pốt Niê đã thuê đơn vị độc lập về chứng nhận ở Đà Nẵng về kiểm tra, đánh giá, xét nghiệm từ đất, nước, hạt cà phê… Kết quả, sản phẩm cà phê của Y Pốt được chứng nhận HACCP và ISO 22000.
Cũng từ đó, các sản phẩm mà Y Pốt làm ra khi mang đi chào hàng ở các thành phố lớn đều được khách hàng tin tưởng. Và chàng trai Ê Đê ấy vẫn miệt mài mang sản phẩm của mình ra Bắc và Nam. Hầu như tại các Hội chợ triển lãm từ Bắc chí Nam, Y Pốt đều mang sản phẩm của mình đến để giới thiệu.
Bên cạnh đó, Y Pốt vẫn giới thiệu hàng qua nhiều kênh khác như mạng xã hội, đưa sản phẩm của mình lên các kênh trực tuyến, phân phối qua các đại lý, công ty rang xay cà phê…
Vậy là từ những bịch cà phê nhỏ lẻ, giờ Y Pốt đã có những đơn hàng lên cả chục tấn. Thậm chí, thương hiệu "Ê Đê café" của Y Pốt được một số thương gia nước ngoài chú ý. Y Pốt cũng đã có những đơn hàng ra một số nước trên thế giới.
Tinh túy, chuẩn chỉnh từ khâu trồng cà phê
Từ một hộ kinh doanh nhỏ lẻ, Y Pốt bây giờ đã là Giám đốc Công ty TNHH Ê Đê café. Từ chỗ bị bố mẹ "từ mặt", không thèm nói chuyện, xóm giềng "dị nghị", giờ chàng trai ấy đã được tin yêu.
Y Pốt Niê chuẩn bị khởi động máy rang, xay cà phê. Ảnh: Duy Hậu. |
Với ý tưởng đưa sản phẩm cà phê an toàn, chất lượng nhất tới người tiêu dùng, Y Pốt chủ trương phải sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ. Tất cả những nông dân liên kết này đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, thu hoạch cà phê mà Y Pốt đưa ra.
"Các hộ liên kết đều phải tuân thủ việc sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn. Đổi lại sản phẩm của bà con sẽ được công ty thu mua toàn bộ với giá cao hơn so với thị trường"- Y Pốt cho biết.
Để có sản phẩm chất lượng nhất, ngoài quy trình sản xuất nghiêm ngặt, việc thu hoạch cà phê cũng phải đảm bảo đủ độ chín. Các hộ liên kết với Công ty TNHH Ê Đê café đều chỉ được hái cà phê khi vườn đã chín được ít nhất 95%. Thế nhưng, những hạt cà phê ấy khi đưa vào rang xay, Y Pốt vẫn cho người lựa chọn lại một lần nữa.
Hiện công ty của Y Pốt sản xuất ra 10 mặt hàng về cà phê. Toàn bộ công thức chế biến đều do chàng thanh niên từng được xem là "quái dị" ấy nghiên cứu ra. Nhiều mặt hàng của Công ty TNHH Ê Đê café được tỉnh Đắk Lắk chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Sản phẩm cà phê bột Robusta được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Công ty của Y Pốt được cấp giấy chứng nhận lọt vào top 10 chương trình "Thương hiệu- Nhãn hiệu uy tín 3 miền- Sản phẩm- dịch vụ chất lượng cao năm 2020".