Được biết, đây là lần đầu tiên Lục Ngạn triển khai sàn thương mại điện tử vải thiều Lục Ngạn, là một trong những giải pháp phù hợp, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid- 19 đang diễn biến phức tạp, khiến các thương nhân nước ngoài khó sang mua vải trực tiếp tại Lục Ngạn.
Để bảo đảm cho sàn giao dịch được khai trương và hoạt động hiệu quả, UBND huyện Lục Ngạn vừa giao cho Hội Nông dân (HND) huyện và Hội tiêu thụ sản xuất vải thiều Lục Ngạn phối hợp với Công ty cổ phần Logistics những ngôi sao liên kết Stars link, TP Hồ Chí Minh (Công ty) tập huấn cho 90 người là cán bộ HND các xã, thị trấn, các ngân hàng: Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Bắc Giang 2, Vietcombank (tại Lục Ngạn) và đại diện các HTX, thương nhân sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn huyện.
Theo đó, các đối tượng được Công ty hướng dẫn các giải pháp như bảo quản lạnh hàng nông sản đóng hộp; vận tải đa phương thức; xuất khẩu đến các thị trường tiềm năng Trung Quốc, EU, Nhật Bản… Đồng thời giúp các học viên nắm được những thông tin tổng quan về sàn giao dịch vải thiều Lục Ngạn, các kỹ năng quản lý, giám sát hoạt động của sàn; làm thế nào để tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo được niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, đáp ứng cho nhu cầu hoạt động kinh doanh tại đơn vị.
Việc triển khai sàn thương mại điện tử vải thiều Lục Ngạn là một trong những giải pháp đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, phù hợp với xu thế thời đại
Trước đó, vào sáng 29/5, Sở Công Thương Bắc Giang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Bắc Giang vào thị trường này.
Hội nghị thu hút hàng nghìn người là đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản trong nước và Singapore tham gia ở 88 điểm cầu.
Bắc Giang cam kết các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, thương nhân đến giám sát thu mua, tiêu thụ vải thiều, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài; tuyệt đối không để xảy ra sự cố về thủ tục hành chính ảnh hưởng đến tiêu thụ vải thiều.
Hiện nay, thị trường Singapore dù rất chuộng trái vải Việt Nam vì độ thơm, ngon, nhưng vẫn chủ yếu nhập vải thiều Việt Nam thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế. Vì thế, việc đưa được vải thiều Bắc Giang vào thị trường Singapore là rất quan trọng, tạo tiền đề cho xuất khẩu các nông sản chủ lực khác của tỉnh.
Vụ vải thiều năm nay của Lục Ngạn hiện đang được tiêu thụ rất thuận lợi
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Hằng năm, giá trị sản xuất vải thiều ước đạt khoảng 4.000-4.500 tỷ đồng (chưa tính thêm doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ), chiếm 25-28% giá trị ngành trồng trọt của tỉnh.
Vụ năm 2020, tuy tình hình thời tiết không thuận lợi nhưng vải thiều của tỉnh dự kiến vẫn đạt sản lượng khoảng 160.000 tấn, cao hơn 10.000 tấn so với năm trước.
Có được kết quả này là do sự tập trung cao của các địa phương, các ngành, người dân ở tỉnh trong mở rộng diện tích sản xuất vải chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Nhiều giải pháp kỹ thuật mới được áp dụng, cùng với cách làm sáng tạo trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của các chủ vườn nên năng suất, chất lượng và mẫu mã quả vải thiều Bắc Giang năm nay đẹp hơn.
Tỉnh Bắc Giang đã chủ động tập trung chỉ đạo sản xuất ngay từ đầu vụ, sớm xây dựng kế hoạch, các phương án, kịch bản và các giải pháp tiêu thụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đến tìm hiểu, thu mua, tiêu thụ vải thiều.
Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu, tiêu thụ tới hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường truyền thống. Đồng thời, tỉnh tiếp tục chiến lược xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, Singapore... Đồng thời, tỉnh cũng mở rộng xuất khẩu vải thiều vào các thị trường khó tính khác như Trung Đông, EU, Mỹ, Canada...
Mai Quỳnh