Anh Tuấn bên chiếc máy ấp trứng lươn tự chế của mình |
Gia cảnh vốn khó khăn, xưa nay vợ chồng anh Lê Thanh Tuấn (40 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) mưu sinh bằng nghề làm thuê cuốc mướn hoặc buôn gánh bán bưng. Khi thấy một số hộ ở xã bỏ trồng lúa chuyển sang nuôi lươn không bùn và đạt hiệu quả, anh Tuấn rất thích thú, quyết học hỏi kỹ thuật để thoát nghèo.
Do thiếu vốn, giá giống cao, anh Tuấn không đủ khả năng mua nên tự gầy tạo đàn bằng cách bắt lươn đồng về thuần hóa, đợi sinh sản. “Trong lần đi bắt lươn đồng, ý tưởng chợt lóe lên tại sao không thuần dưỡng loài vật này mà phải đi mua con giống. Thế là, tôi bắt tay vào việc bắt lươn đồng về thử nghiệm thuần dưỡng, cho sinh sản”, anh Tuấn kể.
Không tiền đầu tư làm bể nuôi, anh tận dụng ván gỗ tạp đóng bể, lót bạt nuôi lươn sinh sản từ năm 2021. Quá trình thuần hóa lươn đồng nuôi trong bể bạt khá kỳ công. Đất phơi khoảng 1 tháng, khử vôi và xả phèn rồi cho vào bồn, cho lục bình, rau, cỏ vào trồng sao cho giống với môi trường tự nhiên nhất để lươn không bị căng thẳng và sinh trưởng tốt.
Khó khăn chưa dừng lại ở chuyện thiếu con giống, khi lươn chuyển sang giai đoạn sinh sản cần phải có máy ấp trứng. Thiết bị này có giá trên 500.000 đồng, nhưng hiệu quả không cao. Vậy nên, anh tự chế máy ấp trứng lươn với giá chưa tới 150.000 đồng từ ống nhựa và máy lọc nước bể cá.
“Suốt nhiều tháng liền, tôi tự mày mò, nghiên cứu chế tạo thành công mô hình xử lý nước tuần hoàn làm từ máy lọc nước bể cá, ống và thau nhựa để ấp trứng lươn với chi phí chỉ 150.000 đồng.
Anh Tuấn cho biết, anh vốn đam mê nuôi lươn và nhiều lần “trầy trật” với con lươn vì nhiều nguyên nhân, nhất là việc thiếu con giống. Thế nhưng, anh vẫn quyết tâm đi lên từ con lươn vốn rất quen thuộc ở quê hương mình. Từ đó, anh bắt đầu nghiên cứu, học hỏi những người đi trước, chế ra chiếc máy ấp trứng lươn. “Chiếc máy cũng đơn giản, gồm chai nước suối 10 lít, cắt lấy phần đít và phần thân trên chai đoạn như cái phễu hoặc cái ống nhựa phi 60 và gắn cái lưỡi gà, một máy chạy ôxy để tạo lực đẩy nước khi ấp trứng, vợt và cái thau nhựa là xong”, anh Tuấn phân tích.
Trứng lươn sau thu hoạch đem rửa sạch rồi cho vào máy ấp |
Nguyên lý hoạt động của chiếc máy khá đơn giản. Sau khi lấy trứng lươn từ ổ về, vệ sinh rồi cho trứng vào phần thân trên chai đổ đầy nước. Trứng lươn sẽ được đảo đều trong phần thân trên chai nước đã được kết nối với thiết bị cấp nước từ máy bơm và ống nhựa. Vì đường ống nhựa dẫn nước vào có gắn van nên dễ điều khiển được sức nước mạnh yếu phù hợp với quy trình ấp trứng. Chính nhờ nguồn nước tuần hoàn này giúp tạo thành lực đẩy, trộn đều trứng lươn cho đến khi chúng nở hoàn toàn. “Mục đích của việc chạy nước tuần hoàn giúp trứng lươn được đảo đều, không kết dính lại với nhau và nở con đạt chất lượng. So với các hình thức ấp trứng lươn khác, tôi thấy chiếc máy này ấp đạt trên 90%”, anh Tuấn chia sẻ.
Nói thêm về bí quyết giúp trứng lươn nở đạt tỷ lệ cao, anh Tuấn cho biết trứng lươn sau khi đẻ ngoài ổ khoảng 48-72 giờ thì có thể vớt vô, cho vào máy ấp trứng. Nhưng nếu chỉ 48 giờ, tỷ lệ nở đạt khoảng 65-70%; 72 giờ thì nở đạt khoảng 85-90%. Hiện chiếc máy này mỗi lần ấp được 3.000-4.000 trứng, thời gian trung bình 3 ngày sẽ nở lươn bột, sau 9 ngày có thể cho lươn con ăn.
Với chiếc máy tự chế, mỗi lần ấp được 6.000 - 7.000 trứng lươn. Cứ 5 ngày, anh gom trứng lươn cho vào máy ấp, tỷ lệ nở đạt 90 - 95%. Bình quân mỗi tuần, anh thu 1.800 - 2.000 con lươn giống.
Từ 40 - 50 con lươn giống ban đầu, đến nay, anh Tuấn mở rộng diện tích nuôi, nhân đàn lên 600 - 700 con lươn bố mẹ. Trong đó, số lượng con giống lươn mua ở trại chỉ 30%, còn lại chủ yếu do anh bắt ngoài ruộng về thuần dưỡng. “Lươn đồng được tôi đi đặt dớn ngoài ruộng đem nuôi trong bể có bùn khoảng 4 - 5 tháng. Sau đó đem ra nuôi trong bể không bùn khoảng 5 tháng nữa. Đến khi lươn trưởng thành, lên bông thì cho vào bể nuôi sinh sản”, anh Tuấn tiết lộ.
Máy ấp trứng lương do anh Tuấn chế tạo, tỷ lệ trửng nở đạt trên 90% |
Trại lươn của anh Tuấn chia làm 3 khu: khu ấp trứng, khu nuôi lươn sinh sản và khu nuôi lươn thương phẩm. Trong đó, khu nuôi lươn sinh sản có 4 bể, mỗi bể có 40 - 50 ổ đẻ. “Ở bể nuôi sinh sản, tôi đặt ống nhựa khoảng 10 cm đặt thẳng đứng, vùi dưới lớp sình dưới bể bạt để lươn vào đẻ. Mỗi ống nhựa sẽ có 1 con lươn vào đẻ, con này đẻ xong thì con khác vô. Cứ 5 ngày thì kiểm tra và vớt trứng đem ấp. Cách 6 tháng, lươn sinh sản 1 lần”, anh Tuấn nói.
Do lươn đồng không thích ánh sáng nên hệ thống ấp và ươm lươn bột được đặt trong nhà. Trong mỗi chậu nhựa, anh bố trí thêm dây ni lông màu đen cho lươn trú ngụ.
Mỗi năm, anh Tuấn xuất bán từ 35.000 - 38.000 con lươn giống với giá 4.000 đồng/con, thu nhập trên 150 triệu triệu đồng. Nhờ mô hình này, anh Tuấn thoát nghèo, cuộc sống ổn định.
Lươn đồng được anh Tuấn thuần hóa để cho sinh sản, tạo ra con giống có sức đề kháng mạnh |
Đánh giá về mô hình nuôi lươn siêu tiết kiệm của anh Tuấn, anh Huỳnh Trung Kiên - Cán bộ Tổ kinh tế kỹ thuật xã Hòa An cho biết, do ít vốn nên anh Tuấn thuần hóa lươn đồng cho sinh sản. Ngoài ra, anh còn sáng chế máy ấp trứng lươn giá rẻ lại hiệu quả cao.
Hiện ở huyện Giồng Riềng lươn giống có kích cỡ 800-900 con/kg, giá 3.400 đồng/con; 700 con/kg có giá 4.000 đồng/con và lươn cỡ 180 con/kg sẽ có giá bán 9.000 đồng/con… Lươn thương phẩm được mua với giá dao động từ 115.000-120.000 đồng/kg.