Mô hình nuôi lươn tạo sinh kế cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Tại Thành phố Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre... lươn thịt loại 1 (khoảng 4- 5 con/kg) được nông dân bán buôn cho thương lái và các vựa thu mua thủy sản ở mức 200.000-210.000 đồng/kg, lươn loại 2 có giá 170.000-180.000 đồng/kg. Còn giá lươn thịt bán lẻ tại chợ đang ở mức từ 220.000-260.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn. Theo hộ dân nuôi lươn, do nguồn cung hạn chế và nhu cầu tiêu thụ ở mức cao, thời gian qua giá lươn thịt luôn duy trì ở mức cao, đặc biệt là từ năm 2019 đến nay.
Nếu so với các năm trước đây giá lươn đã tăng khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. Bên cạnh việc tiêu thụ tại thị trường trong nước, gần đây lươn thịt còn được đưa đi xuất khẩu. Trong khi đó, số lượng lươn đánh bắt được trong tự nhiên ngày càng giảm. Dù người dân đã quan tâm phát triển nuôi lươn thịt nhưng cũng chưa có nhiều để đáp ứng nhu cầu thị trường vì gặp khó trong sản xuất con giống nhân tạo, cũng như giá con giống và nhiều chi phí đầu vào nuôi lươn ở mức cao. Hiện lươn giống cỡ 300-500 con/kg có giá 4.000-5.500 đồng/con.
Theo nhiều thương lái, lươn thương phẩm sau khi được thu mua sẽ được tiêu thụ tại các nhà hàng ở những thành phố lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Lươn là loài dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng biên giới… Đây là những lý do chính để con lươn trở thành vật nuôi được nhiều hộ dân ở miền Tây chọn để phát triển kinh tế trong thời gian qua.
Có thể thấy phong trào nuôi lươn đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển mạnh và bà con cải tiến nuôi không bùn, nuôi lươn trong can nhựa. Cụ thể, mô hình đầu tư nuôi lươn tại Hậu Giang trong vòng 6 tháng, trọng lượng lươn đạt 280 gram/con, năng suất trung bình 12,56kg/m2, lợi nhuận bình quân 480.000 đồng/m2. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đã góp phần đẩy mạnh phong trào nuôi lươn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Từ mô hình trình diễn, người dân Hậu Giang đã học cách nuôi lươn đồng thâm canh bằng nhiều hình thức sẵn có như: nuôi lươn không bùn, nuôi trong can nhựa... Mô hình rất phù hợp với những hộ gia đình không có diện tích sản xuất lớn, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cao cho nông hộ.
Nhận thấy triển vọng mà mô hình nuôi lươn mang lại, ngành nông nghiệp tại một số địa phương cũng hỗ trợ nông dân xây dự mô hình chăn nuôi lươn sinh sản. Đây là mô hình được nhiều hộ chăn nuôi lươn của địa phương đặt nhiều kỳ vọng bởi nếu mô hình này hiệu quả sẽ giúp người nuôi lươn vùng biên giới giải quyết được bài toán khan hiếm lươn giống tự nhiên hiện nay. Bên cạnh đó, thông qua mô hình sản xuất lươn giống, ngành nông nghiệp địa phương cũng mong muốn bước đầu giúp nông dân giảm bớt chi phi sản xuất, từng bước tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình nuôi lươn thành một chuỗi khép kín.
Khánh Hòa