Sữa chua là loại thực phẩm bổ dưỡng, phù hợp cho mọi lứa tuổi, cung cấp nhiều canxi và các loại vitamin rất tốt cho sức khỏe
Không ăn sữa chua lúc đói
Vì khi đó độ chua của dịch dạ dày cao sẽ tiêu diệt phần lớn các vi khuẩn có ích trong sữa chua. Để tránh tác hại này, trước khi ăn sữa chua ta nên làm giảm độ chua của dịch dạ dày có thể ăn tạm ít hoa quả hoặc bánh quy... sau đó mới ăn sữa chua. Không ăn sữa chua và uống thuốc cùng lúc: các vi khuẩn lactic có trong sữa chua sẽ bị tiêu diệt. Tốt nhất sau khi uống thuốc từ 2 - 3 giờ mới nên ăn sữa chua.
Người bị viêm họng
Nếu bạn đang bị viêm họng nên lấy sữa chua ra khỏi tủ lạnh 10 phút rồi mới ăn. Tuyệt đối không được đun nóng sữa chua sẽ diệt hết các vi khuẩn có ích trong sữa. Người tiểu đường, người dư cân chỉ ăn sữa chua không đường. Sau khi ăn sữa chua cần súc miệng và đánh răng thật sạch để tránh các vi khuẩn lactic trong sữa chua còn sót lại, làm hỏng men răng.
Đối với trẻ nhỏ
Sữa chua với các vi khuẩn có lợi rất tốt cho sự phát triển hệ tiêu hóa của bé cũng như giúp nâng cao sức đề kháng nói chung. Khi bé bắt đầu ăn dặm (tháng thứ 6), cha mẹ cũng có thể bắt đầu cho bé làm quen với sữa chua, song cần lưu ý một số điểm sau đây để tránh "lợi bất cập hại".
Khi Trẻ bị tiêu chảy hoặc biếng ăn cho ăn sữa chua sẽ khỏi tiêu chảy là nhờ sữa chua lập lại cân bằng vi khuẩn ở ruột và chất kháng sinh lactocidine có trong sữa chua giúp việc điều trị tiêu chảy. Sữa chua dễ tiêu hóa nên rất phù hợp với trẻ biếng ăn. Cơ thể hấp thu sữa chua gấp 3 lần sữa tươi.
Sữa chua với các vi khuẩn có lợi rất tốt cho sự phát triển hệ tiêu hóa của bé cũng như giúp nâng cao sức đề kháng nói chung
Tuy nhiên, các mẹ cũng cần thông thái khi lựa chọn sữa chua cho trẻ. Dưới đây là một vài lưu ý:
Khi đi mua: Trước hết, các bà mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và bảo quản ghi trên vỏ hộp sữa chua. Thông thường sữa chua cần được bảo quản trong môi trường lạnh 2-6 độ C, song tại rất nhiều siêu thị, cửa hàng, sữa chua được để bên ngoài. Trong trường hợp này, chắc chắn sữa chua đã biến chất, không những không có lợi mà thậm chí còn gây hại cho bé, cần tránh tuyệt đối. Mặt khác, khi mua nên tránh các loại sữa chua sử dụng hương liệu, tuy hấp dẫn vị giác của bé song không tốt bằng những loại chế biến từ nguyên liệu tự nhiên.
Thời điểm ăn: Độ pH thích hợp cho vi khuẩn lactic trong sữa chua phát triển là 4-5, trong khi đó dịch vị dạ dày lúc đói có độ pH từ 2 trở xuống, khiến vi khuẩn lactic dễ bị tiêu diệt, nếu ăn sữa chua lúc này, các tác dụng sẽ không còn hoặc chỉ còn rất thấp. Sau khi ăn bữa chính khoảng 2 tiếng là thời điểm độ pH trong dạ dày lên khoảng 3-5, chính là khi thích hợp cho bé ăn sữa chua. Trước khi đi ngủ cũng là thời điểm thích hợp vì ăn sữa chua lúc này không chỉ giúp trẻ được đảm bảo dinh dưỡng mà còn hỗ trợ tiêu hóa và đem lại giấc ngủ ngon.
Mặt khác, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyên nên ăn sữa chua trong giai đoạn điều trị kháng sinh, song cần tránh cho trẻ ăn ngay sau khi dùng kháng sinh. Sau khi dùng thuốc trị tiêu chảy hay ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ như lạp xường, xúc xích cũng không nên cho ăn sữa chua.
Không đun nóng: Các vi khuẩn có lợi trong sữa chua rất sợ nhiệt độ cao và sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C trở lên, vì vậy không được đun nóng sữa chua, nhất là bằng cách cho vào lò vi sóng. Để đảm bảo tác dụng của sữa chua không mất đi mà tránh được viêm họng khi cho trẻ ăn lạnh, có thể hâm nóng bằng cách đặt vào bát nước nóng dưới 60 độ.
Các mẹ cần súc miệng bằng nước trắng cho trẻ ngay lập tức sau khi ăn sữa chua vì lúc này các vi khuẩn cơ lợi trong đó hoạt động rất mạnh, có thể làm hại men răng của trẻ.
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều, bởi nhiều sữa chua sẽ ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày và bài tiết chất xúc tác tiêu hóa, làm mất cảm giác thèm ăn. Vì vậy, chỉ nên cho trẻ ăn từ 60ml đến tối đa 300ml/ ngày.
Minh Anh