Chất sắt có vai trò gì với cơ thể? Hẳn đây là câu hỏi của không ít người. Sắt giúp vận chuyển oxy đến máu và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Ngược lại, những người bị thiếu sắt sẽ cảm thấy mệt mỏi, năng suất lao động thấp. Thậm chí, việc thiếu sắt còn có thể khiến bà bầu đối diện với tình trạng đẻ non, sẩy thai...
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), thường xuyên tiêu thụ những loại rau như rau dền, rau cải cúc, mướp, nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt của bạn sẽ bị đẩy lùi.
Rau dền
Canh rau dền nấu tôm |
Rau dền có nhiều loại nhưng phổ biến và được nhiều người sử dụng là rau dền đỏ. Dền đỏ có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, mát máu, lợi tiểu, sát trùng, trị nhiệt lỵ, huyết nhiệt sinh mụn nhọt, lợi tiểu…
Rau dền nói chung có rất nhiều dưỡng chất nhưng rau dền đỏ mang đặc tính chung của các họ rau củ màu đỏ nên chứa hàm lượng vitamin A rất cao, nhiều vitamin B1, B6, B12. Tuy hàm lượng sắt và canxi trong rau dền đỏ khá cao, nhưng rau dền lại không chứa axit oxalic, nên hai chất này được cơ thể hấp thụ và tận dụng dễ dàng.
Sắt là khoáng chất cơ thể cần rất ít nhưng thiếu nó sẽ sinh nhiều bệnh tật. Nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho thấy, thiếu máu do thiếu sắt chiếm tới 95% các trường hợp thiếu máu dinh dưỡng. Tại các nước phát triển như Mỹ, tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt chiếm 25% trẻ sơ sinh, 30% phụ nữ mang thai, 15% phụ nữ trong thời kỳ hành kinh và 12% ở các cháu tuổi đang lớn.
Tại nhiều nước nghèo, tỷ lệ thiếu máu do thiếu chất sắt lên tới 60% phụ nữ và trẻ em đang tuổi lớn. Ở Việt Nam, thiếu máu do thiếu chất sắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính. Thiếu máu làm giảm khả năng tập trung học tập, trẻ thiếu máu sẽ thiếu năng lượng cho việc học tập, vui chơi ảnh hưởng tới kết quả học tập và phát triển trí tuệ, ở phụ nữ – làm gia tăng nguy cơ tử vong thai phụ và trẻ em sinh ra có nguy cơ mắc bệnh cao, yếu ớt, chậm phát triển.
Thiếu hụt chất sắt trong cơ thể có thể gây thiếu máu trong khi đó, hàm lượng sắt rất lớn trong rau dền giúp gia tăng lượng hemoglobin và tế bào hồng cầu. Bởi vậy đây là loại rau rất có lợi cho bệnh nhân thiếu máu.
Rau cải cúc
Canh cải cúc nấu cà chua |
Rau cải cúc (hay còn gọi là rau tần ô) khi vào vụ được nhiều người lựa chọn trong thực đơn gia đình. Cải cúc dễ trồng, dễ chế biến, giàu dinh dưỡng và có tác dụng chữa bệnh tốt với một số bệnh thông thường.
Rau cải cúc rất giàu sắt và canxi, có thể giúp cơ thể sản xuất ra máu mới và tăng độ dẻo dai của xương. Do đó, loại rau này rất tốt cho người già để ngăn ngừa thiếu máu và bệnh loãng xương.
Bên cạnh đó, rau cải cúc còn có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa protein, bổ sung các vitamin cần thiết cho quá trình tạo máu như axit folic và đồng nguyên tố vi lượng. Vậy thế, rau cải cúc cũng nên được bổ sung trong thực đơn hàng ngày của trẻ em trong giai đoạn phát triển, vì nó có thể bổ sung các tác nhân tạo máu để ngăn ngừa thiếu máu.
Mướp
Canh mướp thanh mát ngày hè |
Từ lâu, mướp đã được mệnh danh là "nhân sâm trong vườn" hay "nhân sâm của người nghèo" vì dù chúng được trồng phổ biến nhưng công dụng đem lại cho sức khỏe lại vô cùng đa dạng.
Nghiên cứu khoa học cho thấy, trong 1 trái mướp nhỏ (khoảng 100g) có chứa 95gr nước, 0,9gr protit, 0,1gr lipit, 3gr glucit, 0,5gr xeluloza, 28mg sắt, 160mcg betacaroen và rất nhiều vitamin B, C… Đem lại công dụng ngừa bệnh tiểu đường, bổ máu, trị đau lưng, chống nếp nhăn, làm đẹp hiệu quả.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Y học cổ truyền, mướp có vị ngọt, tính mát, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp, lợi tiểu, tiêu đờm, mát máu, thông kinh mạch, tăng tiết sữa, khỏi lở sưng đau nhức, bổ khí, an thai.
Mướp chính là một nguyên liệu thuốc chữa bệnh rất tốt. Ngoài bộ phận quả mướp thì xơ mướp hay lá mướp, hạt mướp, rễ mướp, tua cuốn của mướp cũng có tác dụng trong việc chữa bệnh.